Vượt mức thu nhập trung bình: Chớ lạc quan

Sau khi Việt Nam gia nhập hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập trung bình, không ít người đã ngộ nhận, cho rằng nước ta đã đạt được những thành tựu  “thần kỳ, vĩ đại”, đã hết nghèo, vươn lên tầm cao mới v.v…

Sau khi Việt Nam gia nhập hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập trung bình, không ít người đã ngộ nhận, cho rằng nước ta đã đạt được những thành tựu  “thần kỳ, vĩ đại”, đã hết nghèo, vươn lên tầm cao mới v.v…

Thậm chí gần đây, có tờ báo đăng bài viết tựa đề: “Việt Nam và nỗ lực vượt mức thu nhập trung bình” (Báo CA TPHCM, 17-5-2011). Có lẽ tác giả không biết tường tận ngưỡng mức “thu nhập trung bình” trên thế giới hiện nay là bao nhiêu nên mới nói thế! Theo sự phân loại của Tổ chức Ngân hàng thế giới (WB), năm 2010, trên thế giới có 40 quốc gia (hoặc lãnh thổ) có thu nhập thấp (bình quân từ 995 USD/người/năm trở xuống), gồm 9 nước ở châu Á (Đông Nam Á có Lào, Campuchia và Myanmar), một ở châu Mỹ (Haiti), một ở châu Đại Dương (Solomon Islands), 29 nước (lãnh thổ) còn lại thuộc về châu Phi.

Các quốc gia có thu nhập trung bình gồm 104 nước, chia làm 2 nhóm:

- Nhóm thu nhập “trung bình thấp” (bình quân từ 996 đến 3.945 USD/ người/năm), gồm 56 quốc gia (lãnh thổ). Riêng khu vực Đông Nam Á có 5 nước: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Đông Timor và Việt Nam.

- Nhóm thu nhập “trung bình cao” (bình quân từ 3.946 đến 12.195 USD/người/năm), gồm 48 quốc gia (lãnh thổ). Trong đó, Đông Nam Á có 1 nước: Malaysia (thu nhập bình quân đầu người hơn 7.000 USD/năm).

Các quốc gia có thu nhập cao (bình quân từ 12.196 USD/người/năm trở lên): gồm 69 nước (lãnh thổ). Đông Nam Á có hai nước là Singapore (hơn 37.000 USD) và Brunei (khoảng 37.000 USD/người/năm).

Như vậy, nếu không bị sa vào “bẫy thu nhập trung bình” (mà nhiều quốc gia đã vướng phải, và các tổ chức quốc tế từng không ít lần cảnh báo), thì trong vòng mươi, mười lăm năm tới, may ra Việt Nam chỉ có thể vượt khỏi nhóm có thu nhập “trung bình thấp” để gia nhập hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập “trung bình cao” (bình quân từ 3.946 USD/người/năm trở lên) mà thôi. Trong văn kiện Đại hội Đảng XI vừa rồi (Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2010-2020), chỉ tiêu phấn đấu của chúng ta đến năm 2020 về thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ ở mức 3.000 USD/năm (dưới mức thu nhập trung bình cao).

Cho nên, chuyện “vượt mức thu nhập trung bình” để gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập cao (bình quân từ 12.196 USD/người/năm trở lên), theo tôi, có lẽ vẫn còn xa lắm! Mặt khác, nên biết rằng, “chuẩn” xếp hạng các quốc gia có mức thu nhập thấp, trung bình hoặc cao không phải là những con số cố định, mà thường thay đổi theo hướng nâng lên theo thời gian tùy theo tình hình phát triển chung của kinh tế thế giới. Hiểu rõ, nắm chắc vấn đề như thế mới có thể tỉnh táo, không tiếp tục  sa vào căn bệnh “chủ quan” mà trước đây không ít người trong chúng ta đã từng mắc phải.

PHAN TRỌNG HIỀN

Tin cùng chuyên mục