
Lần đầu tiên một hội nghị quy tụ hơn 100 đại biểu, với nhiều quốc tịch khác nhau về chủ đề chất độc da cam. Trong số họ có những người là nạn nhân của chất độc da cam, nhiều người không là nạn nhân nhưng đã dành cả cuộc đời của mình để hoạt động trên lĩnh vực này.
- Chuyện của các nạn nhân

Chưa có con số cuối cùng về những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam (con số ước tính là khoảng 5 triệu người). Trong số những người bị nhiễm độc, đa phần là lính, nhưng cũng có nhiều người là dân thường và cả những người làm việc dưới chế độ Việt Nam cộng hòa.
Cuộc đời của ông Mai Giảng Vũ (195/4A, đường Bình Thới, phường 9, quận 10, TPHCM) là một minh chứng. Cưới vợ năm 1965, năm 1966-1968, ông làm việc cho quân đội Mỹ ở kho đạn Long Bình, Biên Hòa, với chức vụ thư ký nhận và phát hàng quân dụng, đạn dược, hóa chất.
Từ sau năm 1974, vợ ông sinh thêm 3 người con, nhưng khi lớn lên, các cháu đều bị yếu dần, cơ thể và tứ chi bị co quắp không đi được, phải lết, bò. Đến năm 18 tuổi thì nằm liệt giường, rồi chết ở tuổi đôi mươi. Chính ông cũng không thể ngờ, trong khi đi rải chất độc hóa học, thực thi nhiệm vụ của một binh sĩ Việt Nam cộng hòa, ông đã bị nhiễm độc. “Tôi đã bị lừa dối, mọi người đã bị lừa dối”, ông đã kêu lên như vậy tại hội nghị hôm qua, giữa những người cùng cảnh ngộ với mình.
“Tôi sẽ ở đây chứng thực cho tội ác và những tổn thương mà đất nước tôi đã gây ra cho nhân dân và những người lính của các bạn. Chúng tôi sẽ cùng tham gia với các bạn trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường và hòa giải”, ông Daniel J.Shea, CCB Mỹ từng phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam những năm 1968-1969 đã mở đầu câu chuyện của mình bằng những lời như vậy.
Ông gọi 3 tháng ông ở Việt Nam vào năm 1968 là thời gian “tiêu phí”. Là một xạ thủ, nhưng trong thời gian ở Việt Nam, ông không hề bị thương, điều mà ông tưởng mình may mắn hơn so với những người lính Mỹ bị trúng đạn. Thế nhưng, lúc ông hành quân qua những cánh đồng lúa thì ông bị bệnh nấm chân, tức là nhiễm chất độc da cam - điều mà mãi sau này ông mới hiểu. Rời Việt Nam, ông lấy vợ, cố quên đi quá khứ để được sống thanh bình.
Nhưng đứa con đầu lòng của ông sinh ra, ngay từ đầu đã bị bệnh tim bẩm sinh, bị hở hàm ếch, dạ dày dị dạng rồi sau đó phải lìa đời. Câu chuyện về đứa con trai đã được ông Daniel J.Shea đưa ra làm bằng chứng cho tội ác của chất độc da cam mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và nó đã làm rơi nước mắt tất cả những ai tham dự hội nghị.
- Phải đòi cho bằng được công lý
Câu chuyện của các nạn nhân chất độc da cam, dù ở Việt Nam hay ở đâu trên thế giới này, sẽ và mãi là một câu chuyện dài về nỗi đau khổ. Ông Thomas Boivin, Chủ tịch Công ty Tư vấn Hatfield Ltd, Canada –một đơn vị đã 12 năm nay nghiên cứu về chất độc da cam tại Việt Nam cũng đã khẳng định, 10%-12% diện tích miền Nam Việt Nam đã bị rải chất độc dioxin.
Chất độc da cam và dioxin có liên quan đến nhiều loại bệnh tật nguy hiểm và tình trạng phơi nhiễm dioxin trong tương lai là không thể tránh khỏi. Ở các quốc gia Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, các CCB từng tham chiến ở Việt Nam cùng mắc một thứ bệnh giống nhau, con cái của họ cũng mắc những dị tật như nhau. Tại sao lại có sự trùng hợp như vậy?
Có một thực tế rất hiển nhiên là Chính phủ Canada, New Zealand, Hàn Quốc đều đã xin lỗi và tuyên bố sẽ xem xét các khiếu kiện của các CCB và đã bước đầu có những bồi thường cho họ. Ngay Chính phủ Mỹ cũng đã từng chi nhiều tỷ USD để trợ cấp cho các CCB Mỹ là nạn nhân chất độc da cam bị nhiễm ở Việt Nam. Hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam đã được thừa nhận tại Mỹ. Còn các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thì sao? Các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ để đòi công lý cho mình, cũng là cho nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Cuộc hành trình của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được công luận và nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Những tiếng nói cất lên từ hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam hôm qua đều thể hiện ý chí đó. Bà Sue Kedley (New Zealand) đã kêu lên rằng, nếu quốc gia, chính phủ nào chưa biết đến nỗi đau, đến ảnh hưởng của dioxin thì hãy một lần đến những làng Hữu nghị ở Việt Nam - nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ bị nhiễm độc, để hiểu thế nào là nỗi đau da cam/dioxin mà nhân dân, đặc biệt là những trẻ em, thế hệ tương lai của Việt Nam đang phải gánh chịu.
Hành trình đi tìm công lý của các nạn nhân chất độc da cam không hề đơn độc. Vượt qua nỗi đau, công lý và hòa bình nhất định sẽ chiến thắng.
PHAN THẢO