Vượt qua thử thách

Khi Michiko Kono chuẩn bị tiếp nhận chức chủ tịch công ty chế biến tương đậu nành Yagisawa từ cha mình thì tai họa ập đến. Khu vực gia đình anh sinh sống bị sóng thần tàn phá 99%, rất nhiều người thiệt mạng. Kono còn may mắn hơn họ vì vợ và 3 con đã thoát chết nhưng nhân viên trong công ty anh không phải ai cũng may mắn như vậy.

Giờ đây, khi chuẩn bị khai trương công ty với nhân viên mới, một số phóng viên theo chân Kono tới ngôi đền mà anh và hàng chục người tá túc khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần. Mắt anh ngấn lệ khi nhớ lại nỗi kinh hoàng phải chứng kiến cảnh tượng toàn bộ nhà cửa trong khu vực bị nước cuốn đi. Lúc đó, trong đầu anh chỉ nghĩ tới cái chết...

Tất cả những gì 4 thế hệ trong gia đình Kono gầy dựng đã bị cuốn theo cơn sóng thần. Điều còn lại duy nhất chính là niềm tin. Như phần lớn những cư dân Nhật Bản khác tại thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate, Kono chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Người đàn ông 37 tuổi này tin rằng anh sẽ đủ sức để tái sinh thương hiệu tương đậu nành Yagisawa ra đời từ đầu thế kỷ 19.

Bên trong túp lều tạm của Kono ngổn ngang nhiều chai lọ thủy tinh đựng tương đậu nành còn sót lại sau thảm họa, vẫn còn một trong những câu châm ngôn của công ty: Lan tỏa tri ân thông qua thực phẩm. Tương đậu nành của gia đình anh sản xuất được lên men trong những chiếc thùng bằng gỗ tuyết tùng ở địa phương, nổi tiếng với hương thơm thanh dịu. Để bắt đầu lại, Kono sẽ phải xây dựng lại nhà máy ở một địa điểm khác với nguồn nước trong lành và phải mất ít nhất 5 năm nữa, chai tương đậu nành Yagisawa đầu tiên sau thảm họa mới ra lò.

Trong thời gian này, công ty tạm thời làm đại lý cho những nhà sản xuất khác nhằm giữ liên lạc với khách hàng. Kono cho biết khoảng 70% khách hàng của công ty đã chết hoặc mất hết nhà cửa. Nếu làm theo cách cũ, chỉ bán được cho số khách hàng còn lại. Do đó, đổi mới hoàn toàn cách làm là giải pháp khả thi nhất trong lúc này.

Đó cũng là phương hướng của cả thành phố Rikuzentakata, nơi đã có ít nhất 2.000 người chết trong tổng số hơn 23.000 dân và 80% trong số 8.000 căn nhà bị sóng thần cuốn đi. Vị Thị trưởng trẻ tuổi, ông Futoshi Toba, đã mất đi người vợ thân yêu trong thảm họa. Cố nén đau thương, ông Toba cùng những người tâm huyết vạch ra những giải pháp tích cực khắc phục hậu quả.

Hồi đầu tháng 4, Rikuzentakata trở thành địa phương đầu tiên dựng nhà tiền chế cho người dân cho dù chỉ đáp ứng đủ 1/50 số người xin ở. Thành phố này cần 4.000 nhà tạm nhưng có lẽ phải đợi đến tháng 8 mới giải quyết xong. Những căn nhà đầu tiên được ưu tiên cho người già, người tàn tật, phụ nữ độc thân và trẻ em. Điều quan trọng nhất, phải tìm ra vùng đất cao để làm nhà.

Thành phố Rikuzentakata hiện còn 7.000 người sống trong các trung tâm, số khác sống tạm trong các trường học, khu thể thao liên hợp. Có tới 1/3 số nhân viên của chính quyền thành phố bị cuốn trôi. Là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nhất, giờ đây, với các chính sách cụ thể đáp ứng nhu cầu của người dân, Rikuzentakata trở thành kiểu mẫu trong giai đoạn phục hồi sau thảm họa.

(Theo
Guardian)  

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục