Hôm nay 28-3, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đến Trung Đông trong một nỗ lực mới khôi phục hòa bình cho khu vực này. Đây là chuyến thăm thứ hai của bà Rice tới khu vực này trong vòng 3 tuần qua. Ngoại trưởng Mỹ sẽ dành 3 ngày đàm phán với Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas. Hai nhà lãnh đạo này hiện đã ngừng các cuộc đàm phán song phương từ hôm 2-3. Tổng thống Abbas ngừng các cuộc thương lượng với Israel khi quân đội nước này liên tục tấn công Dải Gaza để trả đũa cho các đợt pháo kích của lực lượng Hamas. Các cuộc càn quét của Israel làm 130 người Palestine thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Ngoài ra vụ một tay súng Hamas xả súng làm chết 8 học sinh tại một trường Do Thái ở Jerusalem cũng gây căng thẳng hai bên. Như thêm dầu vào lửa, Thủ tướng Israel cho biết sẽ tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất của Palestine.
Lò lửa Trung Đông tiếp tục nóng bất chấp tiến trình hòa bình mà Tổng thống Mỹ George W.Bush hy vọng mang đến trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng 1-2009. Trong khi Mỹ cố sức cô lập Hamas trong tiến trình hòa bình Trung Đông thì phái Fatah của Tổng thống Abbas gần đây đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Hamas để hòa giải sau nhiều tháng huynh đệ tương tàn từ khi Hamas chiếm Dải Gaza.
Giờ đây Washington đang tính tới việc đàm phán với Hamas để dẹp bỏ rào cản cho tiến trình hòa bình và ổn định khu vực biên giới giữa Gaza và Ai Cập - đồng minh quan trọng của Mỹ. Điều này thật khó tin khi mà Washington đã đưa Hamas vào danh sách các nhóm khủng bố. Theo AFP, để tạm yên biên giới Ai Cập - Gaza, Washington đã bật đèn xanh để Ai Cập đàm phán với Hamas. Thế nhưng con ngựa bất kham Hamas có chấp nhận các điều khoản hòa bình từ Israel hay từ Washington hay không vẫn còn là vấn đề rất khó giải quyết. Nhiều nhà phân tích cho biết Washington đang tính đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, hai nước có quan hệ với Hamas. Mỹ xem đây là hai trung gian có thể tiếp xúc với Hamas, tránh để Mỹ phải trực tiếp đàm phán với lực lượng này. Chẳng vì thế mà Ngoại trưởng Rice sẽ ghé thăm Jordan trong chuyến đi này và sẽ gặp các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest, Romania sau đó. Theo ông Dennis Ross, nguyên là nhà đàm phán Trung Đông cho Tổng thống Bill Clinton, nếu không giải quyết được vấn đề Hamas thì sớm muộn gì tiến trình hòa bình Trung Đông lại đi vào bế tắc như nhiều lần trước đó. Theo ông Ross, để có một kết quả cụ thể nào đó từ hòa bình Trung Đông, Washington phải “làm ngơ” để Hamas trở lại lớn mạnh như cách đây 8 năm.
Vũ Minh