Xã hội hóa góp phần nâng chất lượng giáo dục

Xã hội hóa góp phần nâng chất lượng giáo dục

Bất kỳ quốc gia nào cũng đứng trước mâu thuẫn gay gắt giữa nhu cầu học tập của người dân với khả năng có hạn của ngân sách nhà nước trong việc đảm bảo các điều kiện tối thiểu để mọi người có thể đến trường. Thành quả đạt được to lớn nhất trong công tác xã hội hóa giáo dục ở TPHCM những năm qua chính là ý thức gắn bó toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Không chỉ đóng góp về tiền của, người dân còn phối hợp chặt chẽ với nhà trường tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh.

  • Trường khó, có phụ huynh…
Xã hội hóa góp phần nâng chất lượng giáo dục ảnh 1
Giờ học vi tính của các em học sinh Trường Dân lập Ngôi Sao. Ảnh: MAI HẢI

Hơn 7 giờ sáng, học sinh lớp lá của Trường Mầm non Sen Hồng (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) hớn hở chuẩn bị… xuống nước. Trong làn nước mát xanh biếc, các em tung tăng chơi ném bóng. Đến giờ lên bờ nhường chỗ cho lớp khác, nhiều em luyến tiếc không muốn rời hồ. Có một hồ bơi luôn là niềm ấp ủ của nhà trường bấy lâu. Sự trợ giúp tài chính của phụ huynh học sinh (PHHS) và các ban, ngành đoàn thể ở địa phương đã giúp niềm mơ ước của trường thành hiện thực.

Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện ở quận Bình Thạnh, cũng nhờ tranh thủ nguồn lực của xã hội, sự góp sức của phụ huynh giúp nâng cao mặt sân trường mà trường đã xóa bỏ được nỗi ám ảnh “sống chung với lũ”. Cô Quách Hoàng Oanh, Hiệu trưởng trường, cười tươi như hoa: “Mùa mưa năm nay hết sợ… trời rồi.

Nhớ lại những năm trước ớn quá, sau một cơn mưa lớn là trường chìm trong nước mưa và nước… cống. Nước tràn vào phòng chức năng, phòng làm việc, phòng học của học sinh. Khổ quá nên có lần nhà trường phải cầu cứu “Đường dây nóng” của báo SGGP”.

Tinh thần “trường cần, phụ huynh góp” luôn là dấu son của ngành GD - ĐT TPHCM trong những năm qua. Sự đóng góp của người dân đã góp phần làm cơ sở vật chất của một số trường chuyển mình, tạo điều kiện cho ngành mạnh dạn đi trước trong triển khai thí điểm một số chương trình mới (chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tin học). Ở quận Gò Vấp, trung bình mỗi năm, Hội PHHS của trường vận động được trên 6 tỉ đồng sửa chữa trường lớp, chăm lo đời sống vật chất cho thầy cô.

 Ở quận 10, trong học kỳ 1 năm học 2004 – 2005, chỉ riêng khối mầm non, phụ huynh đã góp 50% kinh phí để các trường cải tạo phòng học, đầu tư trang thiết bị. Nhiều PHHS cho biết: Thầy cô dạy dỗ học sinh rất vất vả nên PHHS sẵn sàng dốc sức cùng nhà trường chăm lo cho giáo dục ở nhiều mặt chứ không thể việc nào cũng trông chờ nhà trường, trong khi nhà trường chỉ có thể trông chờø vào nhà nước.

  • Nỗ lực cho sự phát triển bền vững

Đánh giá về công tác xã hội hóa giáo dục của TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải đã nhận định: Với sự đầu tư thích đáng của ngân sách nhà nước, chúng ta đã sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục tiêu các chương trình quốc gia về phát triển giáo dục, tranh thủ các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, đóng góp của gia đình học sinh, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, nhằm khai thác các nguồn lực, tiềm năng đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. 

Với dân số đứng đầu cả nước, trong đó có một bộ phận không nhỏ dân nhập cư, TPHCM đã tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của các thành phần dân cư. Nguồn lực từ dân đã góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng GD - ĐT của thành phố. Tỉ lệ ngoài công lập ở giáo dục mầm non bậc nhà trẻ là 48,4%, mẫu giáo 38,7%; tiểu học: 2,4%, THCS: 18,6% và THPT là 48,2% góp phần rất lớn trong giải quyết nhu cầu học tập của con em nhân dân thành phố. 

Quả vậy, hệ thống các trường dân lập, tư thục ra đời và phát triển mạnh trong những năm qua đã góp phần giải quyết áp lực quá tải cho các trường công lập. Những công trình trường học theo chương trình kích cầu- người dân đóng góp học phí xây trường, nhà nước “gánh” tiền lãi ngân hàng - đã tạo nên “ngôi trường mới trong lòng trường cũ”.

Theo Sở GD–ĐT, mô hình kích cầu huy động vốn được nhiều trường hưởng ứng và có triển vọng phát triển. Trên 50 công trình xây bằng vốn kích cầu đã và đang hoàn thành, tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng, đồng thời giải quyết nhu cầu học tập của người dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục cũng còn một số mặt khiến nhiều người trăn trở, đòi hỏi thành phố còn phải nỗ lực hơn nữa cho sự phát triển bền vững của giáo dục-đào tạo. Nếu như các trường mầm non bán công tiết kiệm cho nhà nước hàng năm khoảng 40 tỉ đồng thì ngược lại, chất lượng nuôi dạy ở các nhóm trẻ gia đình không phép chưa được chấn chỉnh. Những trường dân lập có uy tín như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Khuyến…, trường tư thục nhận chứng chỉ ISO như Ngô Thời Nhiệm… vẫn còn ít. Việc nôn nóng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở những vùng khó khăn đã tạo gánh nặng đóng góp trên đôi vai phụ huynh.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta nhằm huy động mọi nguồn lực trí tuệ, vật chất cho phát triển sự nghiệp GD–ĐT. Các bước triển khai và thực hiện hơn 10 năm qua đã khẳng định sự đúng hướng của chủ trương này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tranh thủ sức dân như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Chủ tịch Lê Thanh Hải đã nhấn mạnh: “Trong quá trình triển khai tiếp theo, việc hoàn chỉnh các văn bản pháp lý cùng với việc ban hành chế độ khuyến khích thỏa đáng sẽ giúp chủ trương xã hội hóa giáo dục ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống và đạt hiệu quả cao hơn”.

Đó cũng chính là niềm mong mỏi của người dân, của những người muốn chia sẻ gánh nặng của nhà nước bằng việc đầu tư vào giáo dục.

HỒNG LIÊN

Tin cùng chuyên mục