Xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp - Thận trọng, có lộ trình

(SGGP).- Chiều 27-9, dự án Luật Giám định tư pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến. Hai vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm hơn cả là tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.

(SGGP).- Chiều 27-9, dự án Luật Giám định tư pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến. Hai vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm hơn cả là tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.

Theo dự thảo luật, tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Nếu thực hiện theo quy định này, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Công an cấp tỉnh) như quy định hiện hành.

Ban soạn thảo lý giải: “Việc tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào trung tâm giám định pháp y (thuộc ngành Y tế), sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ đội ngũ giám định viên pháp y và tập trung đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; tránh dàn trải, lãng phí và khắc phục sự thiếu thống nhất về quy mô, cơ cấu tổ chức”.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Quý Ngọ đề nghị không nên xóa bỏ tổ chức giám định pháp y ở lực lượng công an cấp tỉnh như trong dự thảo luật. Như vậy sẽ không đảm bảo cho công tác giám định tư pháp được thực hiện kịp thời, nhất là với những vụ việc xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Hơn nữa, công tác pháp y còn có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá dấu vết, định hướng điều tra nên để cán bộ thuộc lực lượng công an tiến hành là hợp lý. Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đề nghị chưa nên cho phép thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.

Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH ủng hộ quan điểm cho rằng, việc điều động lực lượng giám định pháp y trực thuộc nội bộ ngành công an sẽ linh hoạt và thuận lợi hơn. Đồng thời, lý do mà Ban soạn thảo đưa ra khi dự kiến bỏ bộ phận pháp y thuộc Công an tỉnh được coi là chưa thuyết phục. Trong khi đó, theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, một vấn đề rất vướng trong thực tế mà dự thảo luật vẫn chưa gỡ được là khi có sự mâu thuẫn giữa các kết quả giám định thì xử lý ra sao…

Về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban tư pháp cho rằng, việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết, rút kinh nghiệm rồi mới xem xét mở rộng phạm vi hoạt động.

Sáng cùng ngày, UBTVQH nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Dự thảo luật khẳng định, chính sách chung là Nhà nước đảm bảo nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; ưu tiên hỗ trợ việc phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.  

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục