Nghĩa tình sau lũ

Ra quân giúp dân
Nghĩa tình sau lũ

Lũ qua đi để lại bộn bề khó khăn cho người dân, từng lớp bùn dày đặc trên những con đường từ thành phố đến các vùng quê Thừa Thiên - Huế. Người dân vùng lũ phải đối mặt với đói rét và bệnh tật. Ngày 15-11, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ cứu đói cho dân, các lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích đã có mặt khắp mọi vùng quê dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả…

Ra quân giúp dân

Nghĩa tình sau lũ ảnh 1

Em Lê Thị Thanh Thúy, học sinh lớp 8/9 Trường THCS Mỹ Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam, ngồi phơi sách sau lũ.

Sáng 15-11, tỉnh lộ 4B từ xã Hương Vinh (Hương Trà) về huyện Quảng Điền  vẫn còn ngập sâu nhiều đoạn. Thầy Huỳnh Tấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Quảng Thành, cho biết nhờ sự giúp đỡ của bộ đội, hơn 345 học sinh sẽ có điều kiện trở lại trường trong ngày mai.

Những ngày này trên khắp vùng quê sau lũ ở đâu cũng bắt gặp bóng áo xanh của các chiến sĩ bộ đội cắm chốt giúp dân. Đại tá Đặng Ngọc Nghĩa, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã huy động 500 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện phối hợp với các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang… giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

Ngày 15-11, gần 190 cán bộ, chiến sĩ công an, hơn 5.000 đoàn viên thanh niên cũng đã có mặt khắp các vùng quê, đường phố giúp dân cào bùn, thu dọn rác, nạo vét khơi thông dòng chảy. Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng đã cấp 60 cơ số thuốc và gần 300 ngàn viên hóa chất Cloramin B cho các xã ngập lụt.

Sở Y tế tăng cường thêm 30 bác sĩ và 50 lít thuốc diệt muỗi, 8.500 bình xịt muỗi cầm tay đến các xã thuộc “rốn lũ” Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy để hỗ trợ địa phương xử lý, đề phòng dịch bệnh.

Tấm lòng bạn đọc

Chiều 15-11, đoàn cứu trợ của Báo SGGP và Công ty FPT Mobile chở mì tôm, gạo và tiền về với bà con vùng lũ xã Đại An, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Đoàn đã trao 80 suất quà cứu trợ, mỗi suất tương đương 300 ngàn đồng. Đoàn đã đến tận nhà, trao tận tay số tiền, hàng cứu trợ;  ân cần thăm hỏi và động viên những gia đình có nhà bị sập và có người chết, bị thương trên địa bàn xã Đại An, huyện Đại Lộc.

Nghĩa tình sau lũ ảnh 2

Hàng cứu trợ của Công ty FPT Mobile phối hợp với Báo SGGP trao tận tay đồng bào vùng lũ xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tại UBND xã Đại An, gần 100 hộ gia đình trong vùng lũ nghèo khó đã chờ sẵn chuẩn bị nhận hàng cứu trợ. Nỗi thống khổ in hằn trên những nếp nhăn. Khổ! Cái miền quê quanh năm khổ cực nay lại càng khổ cực hơn sau lũ.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh (SN 1960, trú thôn Quảng Yên, xã Đại An), hai chân sưng húp tím bầm do căn bệnh phù thận, đang chờ nhận hàng cứu trợ than thở: “Đã nghèo rồi mà ông trời cứ lụt hoài, người dân chúng tôi thêm khổ.

Năm mô cũng lụt, nhưng năm ni lụt lớn quá, lại bất ngờ nên chẳng biết chạy nơi mô. Khi nước ngập sâu nhà hơn 1m, gia đình tui chỉ còn biết bỏ chạy thoát thân. Tài sản, lúa gạo... cái thì ướt, cái thì bị cuốn trôi. Mấy ngày nước lũ ngập là bấy nhiêu ngày chúng tôi phải nhai mì tôm sống và uống nước mưa”.

Trao đổi với PV SGGP, ông Trịnh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đại An, huyện Đại Lộc, cho biết: Chỉ sau 1 ngày mưa, nước nguồn đổ về cuồn cuộn, nước lũ dâng nhanh khiến bà con không kịp trở tay. Lúa gạo, tài sản ướt và bị cuốn trôi, nguy cơ xảy ra đói sau lũ là rất lớn nếu không có sự quan tâm của đồng bào cả nước cũng như các cấp chính quyền. Cho đến sáng 15-11, nước lũ xuống cạn, Trạm y tế mới tổ chức đi xuống từng thôn bản để xử lý nước sinh hoạt cho bà con.

Báo SGGP trao tiền hỗ trợ nạn nhân
bị chết do lũ

Tiếp tục chương trình cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị nạn do lũ lụt, chiều 15-11, đại diện Báo SGGP tại miền Trung đã đến thăm, chia buồn và trao tặng tiền cho 3 gia đình nạn nhân bị chết do lũ tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bản (tỉnh Quảng Nam), là cháu Mai Công Minh, 15 tuổi, trong khi đang dọn nhà chạy lũ bị nước cuốn trôi; anh Hồ Quang Nam, 39 tuổi, bị chết do lật ghe và cháu Lê Tấn Việt, 11 tuổi, đang học lớp 5, trên đường đi học về bị nước lũ cuốn trôi, mỗi gia đình 1 triệu đồng.

Bên cạnh UBND xã Đại An, cô Huỳnh Thị Sương, cán bộ thư viện Trường THCS Mỹ Hòa, thẩn thờ nhìn từng đống sách bị ướt. Cô lật ra từng trang để phơi lại những cuốn nào có thể “tái sử dụng”, còn những cuốn bị bã ra do ngâm nước lũ thì đành ngậm ngùi vứt đi.

Cô Sương, cho biết: Thư viện Trường THCS Mỹ Hòa là thư viện chuẩn quốc gia với hơn 2.000 cuốn sách tham khảo, sách giáo khoa do thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đống góp. Thế nhưng, qua 5 cơn lũ liên tiếp, 2.000 cuốn sách gần như hỏng hết do bị ngâm trong nước nhiều ngày.

Rời UBND xã Đại An, và Trường THCS Mỹ Hòa, chúng tôi về thôn Quảng Huế, xã Đại An – nơi dòng lũ cuồn cuộn từ dòng Vu Gia đổ về cuốn trôi 4 căn nhà sập hoàn toàn. Đau thương nhất là gia đình bà Trịnh Thị Năm (SN 1930, trú thôn Quảng Huế).

Trong vòng 20 ngày, bà Năm và con trai - anh Nguyễn Hai - bị chết trong lũ. Anh Hai bị nước lũ cuốn trôi trong cơn lũ cách đây 20 ngày, còn bà Năm đã chết do cóng trong đêm lũ kinh hoàng hôm 12-11. Nay, căn nhà tang thương, vợ anh Hai cùng 3 đứa con, đứa lớn nhất mới chỉ học lớp 11, ngồi co ro, khóc!

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục