Lạm dụng lao động trẻ em: SOS!

Cường độ cao
Lạm dụng lao động trẻ em: SOS!

Gần 2 giờ sáng một ngày cuối tháng 11-2007, trong căn nhà 133/27/20 đường Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình TPHCM, đèn vẫn sáng choang. Tiếng máy khâu rè rè chạy liên tục. Gần chục công nhân, trong đó phần lớn là trẻ em đang lầm lũi cúi gập người vào bàn máy may, vắt mình với công việc. Cách đó không xa, ở căn nhà số 127/77, tổ 34 D, khu phố 3A, đường Ni Sư Huỳnh Liên do ông Nguyễn Văn Dũng thuê, cũng tập trung khá đông lao động “nhí”.

Cường độ cao

Lạm dụng lao động trẻ em: SOS! ảnh 1

Tại cơ sở may 133/27/20 Ni sư Huỳnh Liên, P10, Q. Tân Bình.

Ông Hồ Tấn Ân, tổ phó tổ dân phố 34D, cho biết: thời điểm ông Dũng đăng ký với khu phố (năm 2005), các công nhân của cơ sở còn rất “nhí” như: Nguyễn Văn Thiện (sinh năm 1993), ở Quế Võ, Bắc Ninh; Trần Thị Thương và Trương Thị Xuyên (1993) ở Tân Kỳ, Nghệ An. Những đứa khác thì lớn hơn một chút: Hoàng Thị Sang (1992), ở Hữu Lũng, Lạng Sơn, Nguyễn Thế Toàn (1991), ở Việt Yên, Bắc Giang…

Một người chạy xe ôm gần góc đường Ni Sư Huỳnh Liên - Lạc Long Quân cho biết, “phường này được mệnh danh là “làng” may gia công. Ở những cơ sở này, họ rất thích tuyển mấy đứa nhỏ nhỏ vào làm vì dễ sai, bắt chúng làm nhiều nhưng không tốn kém như thuê mấy đứa lớn”.

Đúng như lời nói của người chạy xe ôm, trên một đoạn góc của đường Ni Sư Huỳnh Liên - Lạc Long Quân, chúng tôi thấy có không dưới chục cơ sở may mặc cũng đang sử dụng lao động trẻ em, làm việc với cường độ rất cao.

Trong vai người đi phát hàng khuyến mãi, phóng viên Báo SGGP tiếp cận được căn nhà 76/34/25 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú của ông chủ cơ sở - Đoàn Văn Tuấn. Đây là địa điểm bị người dân phản ánh về tình trạng sử dụng lao động trẻ em quá nhiều, thời gian cũng kéo dài liên tục. Trong đó, hầu hết công nhân của Tuấn có thâm niên từ 2 đến 5 năm.

Đó là các em: Trần Thị Ngô (1994), Võ Thị Thúy (1992), Nguyễn Trúc Phương (1990), Hoàng Quốc Việt (1992), Nguyễn Thị Linh (1993), Đặng Thị Hiền (1993)… Bác Thừa, nhà ở kế bên cơ sở, cho biết: ngày nào tui cũng nghe tiếng máy rì rầm đến nửa đêm, có hôm kéo qua 12 giờ đêm. Hồi đó giờ có thấy ai “ở trển” (UBND phường - PV) xuống kiểm tra đâu!

Tại cơ sở làm thủy tinh số 205B/25 Âu Cơ, chúng tôi thấy hàng chục trẻ em đang cặm cụi làm việc bên những lò lửa hừng hực. Trong số đó, có một cậu học trò còn đang mặc đồng phục của Trường Hàn Hải Nguyên. Em cho biết tên là Thạch Yến Linh (13 tuổi), hiện đang làm công đoạn thổi bóng đèn. Linh còn giới thiệu một người bạn là Lao Minh (15 tuổi), cũng đang làm công đoạn như Linh.

Khi gặp hai cậu bé, quả thật chúng tôi khá bất ngờ vì chúng quá nhỏ và gầy gò hơn bạn bè đồng lứa nhiều. Nói chuyện với chúng tôi nhưng hai em cứ thay nhau ngáp ngắn ngáp dài, dường như hôm nay Linh và Minh phải làm ca đêm. Chúng tôi được biết cơ sở này (chủ cơ sở tên Trần Văn) đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn.

Tại một cơ sở may, khi đồng hồ đã điểm 1 giờ trưa nhưng các em cặm cụi bên bàn máy may mà chưa được nghỉ ăn trưa. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, những buổi tối thứ bảy, trong khi các nơi khác, công nhân được nghỉ thì ở đây, rèm cửa lại được buông xuống để các em tập trung làm việc.

Thu nhập thấp

Ông Hồ Tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em TP, cho biết, hiện TP có khoảng 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động trẻ em. Độ tuổi từ 16 - 18 có 588 em, còn lại là lứa tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi. Các cơ sở này tập trung nhiều ở các quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp. Hầu hết các cơ sở này đều không đăng ký kinh doanh, không hợp đồng lao động, chủ yếu là thỏa thuận giữa chủ cơ sở với gia đình các em. Thông thường chủ cơ sở cũng bắt các em lao động liên tục, nhất là thời điểm cận Tết.

Theo Bộ Luật Lao động, trẻ em từ 15 - dưới 18 tuổi được quyền tham gia lao động giản đơn, nhưng kèm theo đó có nhiều quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng bóc lột sức trẻ em, như: không được bắt trẻ làm quá 7 giờ/ngày, 42 giờ/tuần, không phải là công việc nặng nhọc, độc hại… Nhưng hầu như không cơ sở nào mà chúng tôi đã phản ánh ở trên thực hiện điều này.

Không những thế, có chủ cơ sở “thẳng tay” đuổi các em và lờ luôn tiền công làm quần quật cả năm của các em chỉ vì các em phạm một số lỗi kỹ thuật như cơ sở may gia công D.L trên đường số 5, phường 10, quận Tân Bình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian cao điểm, có không ít cơ sở bắt công nhân làm việc 18 giờ/ngày với tiền công rẻ mạt (khoảng 500.000 - 600.000 đồng/tháng).

Khi được hỏi về các lao động trẻ em làm việc trong cơ sở thổi thủy tinh tại quận, bà Huỳnh Mai, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 11, cho biết: “Quận chưa nắm được thông tin này. Năm nay, quận có đi kiểm tra định kỳ, chủ yếu tập trung vào những cơ sở sản xuất gây độc hại, nhưng không phát hiện cơ sở nào sử dụng lao động trẻ em” (!?). Cần nói thêm, thông thường, những lần đi kiểm tra như vậy phải có quyết định của chủ tịch UBND quận, sau đó lập đoàn kiểm tra và thông báo với phường!”.

Còn tại phường 10, quận Tân Bình, dù đã cố gắng liên hệ nhưng chúng tôi cũng không thể hẹn được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường để làm việc.

Hồng Hiệp – Quý Lâm

Tin cùng chuyên mục