Vì sao nhiều trí thức rời khỏi đơn vị công?

Bài 2: Những lo ngại sau cuộc chia tay

Đãi ngộ quá kém?
Bài 2: Những lo ngại sau cuộc chia tay

Điều gì đang xảy ra ở các đơn vị công để dẫn đến hàng loạt cuộc ra đi không hẹn ngày trở lại của các công chức? Làm sao để ngăn chặn và liệu có cần thiết để ngăn chặn dòng chảy này hay không? Đây hẳn là những vấn đề rất cần lời giải từ các tổ chức, các cơ quan công quyền hiện nay.

Đãi ngộ quá kém?

Nhiều đơn vị công (ĐVC) đang lao đao trước sự ra đi ồ ạt của các cán bộ chủ chốt, các chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm. Hàng loạt bác sĩ (BS) có kinh nghiệm ra đi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của một đơn vị mà còn ảnh hưởng đến chiến lược chung của toàn ngành. Theo báo cáo của ngành y tế TPHCM, hiện toàn thành phố chỉ có 3.700 BS với tỷ lệ 4,7 BS/10.000 dân, trong khi tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Y tế thế giới phải là 10 BS/10.000 dân. Như vậy thành phố hiện còn thiếu khoảng 4.000 BS. Mối lo này sẽ càng là gánh nặng khi hiện nay nhiều BV công đã phải đối mặt với tình trạng thiếu BS và đội ngũ điều dưỡng trong khi tình trạng quá tải chưa hề giảm.

Bài 2: Những lo ngại sau cuộc chia tay ảnh 1

Các bác sĩ ở BV rất cần có được những điều kiện thuận lợi và đãi ngộ hợp lý để làm việc. ảnh: Tr. Ng.

Lao đao là vậy, nhưng dường như nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa có động thái gì tích cực trước sự ra đi hàng loạt này. BS N.L. – một chuyên gia đầu ngành về sản phụ khoa, từng tâm sự: “Khi quyết định rời bỏ BV để tìm một chỗ làm khác vì bức xúc với cách ứng xử của đơn vị cũ, tôi chỉ mong được lãnh đạo sở hay lãnh đạo thành phố gọi lên hỏi han một tiếng để được giãi bày, được giải tỏa và được có lý do ở lại. Nhưng ước mong của mình đã thành vô vọng khi ngay cả lúc tôi đã ra đi rồi cũng chẳng thấy ai quan tâm đến chuyện của mình”.

GS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, đã từng rất bức xúc khi cho rằng, các ĐVC cần xem lại cách sử dụng người tài của mình. Theo ông, những năm gần đây, công tác quy hoạch, đào tạo nhân tài đã được thành phố chú ý hơn. Tuy nhiên, cho đến khi sử dụng thì nhiều ĐVC đã không làm được như tinh thần chủ trương của thành phố. Theo phân tích của GS Giao, có hai nguyên nhân khiến người tài bỏ đi sang khu vực tư nhân hoặc khu vực có yếu tố nước ngoài. Một là do lương bổng ở khu vực công còn quá thấp trong khi khu vực tư đang ngày càng phát triển và trả lương rất cao. Thứ hai là bộ máy tổ chức và cung cách làm việc của các ĐVC chưa phát huy được năng lực của họ. Có tình trạng người thiếu năng lực lại được giữ vai trò lãnh đạo, không những không phát huy được vai trò của cấp dưới mà còn cản trở bước tiến của những người có năng lực.

Một giáo sư đầu ngành của ngành y tế nhận định, lương hướng là vấn đề quan trọng, nhưng nó không phải là nguyên nhân hàng đầu, nhất là với những trí thức có tâm huyết. Trong tình hình hiện nay, mức lương và những nguồn thu nhập minh bạch có thể giúp các trí thức đủ sống và chăm lo được cho gia đình. Cái chính là guồng máy tổ chức của chúng ta không phát huy hết năng lực người tài nên họ bỏ ra ngoài để bộc lộ hết khả năng của mình. Cách phân công công việc ở nhiều nơi còn bất hợp lý, công tác tổ chức cán bộ chưa tốt.

Tính đấu tranh ở đâu?

Theo ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, sự ra đi ồ ạt của đội ngũ trí thức ở các ĐVC thực sự là một vấn đề đáng lo ngại mà Đảng và nhà nước cần nhận thấy để tạo điều kiện, cải tiến bộ máy tổ chức giúp người hiền tài có thể trụ lại và phấn đấu. Trước những ý kiến cho rằng: làm ở khu vực công hay tư thì cũng là đóng góp cho đất nước, ông Đằng cho rằng vấn đề này không thể là bình thường khi khu vực công là nơi giải quyết nhiều vấn đề thiết thân cho người dân, nhất là dân nghèo trong đó có rất nhiều vấn đề nhạy cảm với đời sống dân sinh như: y tế, giáo dục, tòa án… Nếu những khu vực này không còn người hiền tài và tâm huyết thì người dân chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Mặt khác, khu vực công là nơi tham mưu cho chính quyền soạn thảo, ban hành những chính sách, quyết sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội mà thiếu đi những người tài thì những vấn đề chính sách vĩ mô sẽ giải quyết ra sao?

Nhìn ở một mặt khác của vấn đề, ông Lê Hiếu Đằng cho rằng: Việc ra đi của các trí thức không thể chỉ đổ lỗi cho cơ chế, chính sách mà chính những người tài cũng nên nhìn lại cách ứng xử của mình. Theo ông, với người trí thức, tính đấu tranh là rất quan trọng. Khi đơn vị, cơ quan mình có những việc làm chưa tốt, chưa ổn thì phải trụ lại để đấu tranh, cải thiện môi trường. Tuy nhiên, với nhiều trí thức hiện nay, tính đấu tranh dường như là khá mờ nhạt, họ sẵn sàng đầu hàng những bất công, những tiêu cực bằng giải pháp “ra đi”. Đây là điều rất nguy hiểm. Nếu toàn xã hội đều thờ ơ với cái xấu, cái ác như vậy là điều rất đáng lo ngại.

Trao đổi này với nhiều BS đã rời bỏ BV công sang BV tư, nhiều người lắc đầu quan ngại khi cho rằng họ không thể đấu tranh với cả một cơ chế. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm mà trách nhiệm thuộc về các tổ chức đoàn thể và kể cả tổ chức Đảng trong đơn vị. Thực sự các tổ chức này đã là chỗ dựa cho người có đức, có tài tồn tại và cống hiến hết mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân?

Kim Liên

- Bài 1: Dòng chảy ngược!

Tin cùng chuyên mục