Xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải cụ thể và sắc nét

Xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải cụ thể và sắc nét

Dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)” xác định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, trong đó có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải cụ thể và sắc nét ảnh 1

Văn miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng của lịch sử văn hóa dân tộc. Ảnh: AN DUNG

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ngày 16-7-1998 về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đã giải thích: Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên.

Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...

Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán cũ.

Với sự giải thích như trên, tôi nhận thấy còn có điểm chưa ổn.

Trước hết, nếu định nghĩa tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì thử hỏi, yêu nước và tiến bộ trong văn hóa Việt Nam hàng ngàn năm, trước khi có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có được coi là tiên tiến của văn hóa Việt Nam hay không? Theo tôi hiểu, tiên tiến là một khái niệm đối lập với lạc hậu, lỗi thời. Văn hóa ở thời nào cũng được cuộc sống con người chưng cất chắt lọc đấu tranh để giữ mặt tiên tiến, loại bỏ mặt lạc hậu lỗi thời. Yêu nước và tiến bộ thời nào cũng là điểm tiên tiến về văn hóa.

Biểu diễn hát xẩm nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: An Dung
Biểu diễn hát xẩm nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: An Dung

Cho rằng bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước thì thử hỏi, những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, không đáng được mang tính tiên tiến trong nền văn hóa Việt Nam hay sao?

Sự định nghĩa còn có chỗ chưa phù hợp như vậy, phải chăng từ quan niệm về văn hóa chưa đúng. Văn hóa có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Văn hóa có nghĩa hẹp, được biểu hiện trong lý tưởng sống, trong các quan niệm về thế giới và nhân sinh, tín ngưỡng, trong lao động và đấu tranh, trong tổ chức đời sống tạo dựng xã hội, thể hiện lý tưởng thẩm mỹ. Từ đó văn hóa là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc đồng thời cũng là nơi thể hiện ý thức và phương thức tiếp nhận những giá trị của các dân tộc khác theo tinh thần cùng tham dự và cùng chia sẻ.

Văn hóa nêu trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011)”, được quan niệm theo nghĩa hẹp.

Trong hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa, tại Venise (Italia) năm 1970, ông F.Mayor, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO đã đưa ra một khái niệm về văn hóa, vừa mang tính khái quát vừa mang tính đặc thù được cộng đồng quốc tế công nhận. Đó là: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động”. Nhà xã hội học nước Anh là E.B. Taylor cũng cho rằng: “Văn hóa hoặc văn minh là một chỉnh thể phức tạp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật đạo đức pháp luật, tập tục và bất kỳ năng lực, thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội”.

Theo quan niệm về văn hóa trên đây, thì nói đến văn hóa, đương nhiên là mang bản sắc dân tộc, vì văn hóa làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia và cũng đương nhiên là tiên tiến, vì tiên tiến là kết quả của sự gạn lọc tự nhiên của con người trong đời sống văn hóa để loại ra khỏi những gì mà con người cho là lạc hậu lỗi thời. Văn hóa tiên tiến với bản sắc dân tộc là nói chung, nói riêng về xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải cụ thể và sắc nét.

Tôi đề nghị đưa vào cương lĩnh: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam vì độc lập, tự do hạnh phúc, vì hòa bình hữu nghị”. Phương hướng cơ bản để xây dựng là phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em trong nước mà cốt lõi là lòng yêu nước, nghĩa cố kết đồng bào; xây dựng đạo đức lối sống, ý thức làm chủ, tôn trọng lẽ phải, sống có nghĩa có tình… Ngoài ra, phải chú trọng đào tạo nhân tài về các lĩnh vực văn hóa và mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới.

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục