Trong lịch sử phát triển loài người, giáo dục luôn được coi là tài sản vô giá của mỗi con người cũng như mỗi dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với nhiệm vụ chống “giặc ngoại xâm”, “giặc đói”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú tâm ngay đến “giặc dốt”. Giáo dục luôn là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước.
Xây dựng một nền giáo dục vì dân và cho tất cả mọi người luôn là khát vọng sâu xa và ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khát vọng sâu xa và lòng ham muốn tột bậc đó của Người cũng chính là ham muốn tột bậc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và của chính nền giáo dục Việt Nam. Người mong ước: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Do vậy, nền giáo dục của chúng ta phải là nền giáo dục đại chúng và mang tính nhân văn sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tri thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: Một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra”.
Nhưng tri thức không chỉ đơn thuần dừng lại ở sự hiểu biết trong sách vở, câu chữ, mà tri thức còn phải là đưa sự hiểu biết trực tiếp vào cải tạo xã hội, thích ứng với tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, thông qua đó là sự phát triển của chính mỗi cá nhân. Chỉ có như vậy, tri thức khoa học mới thực sự là nguồn lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển xã hội. Bác dặn: “Trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn... muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”.
Người nhấn mạnh: “Ngày nay không phải học để có bằng cấp, để thoát ly sản xuất. Phải học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật để nâng cao hiểu biết”. Do vậy, người học có thể học trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Chỉ có như thế, giáo dục mới thực sự đáp ứng nhu cầu xã hội.
Giáo dục là tài sản vô giá khi nó kết hợp được bản lĩnh bản sắc mỗi một quốc gia với những kinh nghiệm tiên tiến các nước trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà...”.
Như vậy, thúc đẩy sự phát triển giáo dục quốc gia phải gắn liền với việc học hỏi những kinh nghiệm giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm xây dựng thành công nền giáo dục Việt Nam, đào tạo ra con người Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Nội dung của giáo dục Việt Nam là tạo ra con người có trí tuệ khoa học, phẩm giá đạo đức, đồng thời có sức khỏe, thẩm mỹ. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất của nền giáo dục nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khỏe”. Người còn nhấn mạnh: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về giáo dục thẩm mỹ: “Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp”. “Chữ mỹ nghĩa là tốt đẹp”, “Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Vì thế, giáo dục thẩm mỹ, thực hiện điều thiện và giáo dục phục vụ lợi ích của nhân dân là tốt đẹp. Cái tốt đẹp, cái thiện cần phải được trau dồi, nuôi dưỡng và thể hiện nó trong cuộc sống.
Tuy nhiên, Bác cũng cho rằng: “Trong xã hội có thiện và ác”, “Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ gian khổ, nhưng cuối cùng thì cái ác nhất định bại, thiện nhất định thắng”. Hơn nữa, trong mỗi con người “hoặc nhiều hoặc ít không tránh khỏi cái ác, như tự đại, tự kiêu, tự tư, tự lợi”. Do vậy, sự cần thiết phải nêu cao sự “cố gắng học tập và cải tạo của mọi người, thì cái ác trong mình chúng ta càng bớt, cái thiện ngày càng tăng”.
Sứ mệnh của giáo dục trong việc xây dựng con người có trí tuệ và phẩm giá, có sức khỏe và thẩm mỹ hết sức cao cả và to lớn.
Suy ngẫm về một vài lời dạy của Hồ Chí Minh về giáo dục, thấy rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì dân, mang tính đại chúng và nhân văn sâu sắc, luôn coi giáo dục là điều kiện tiên quyết phát triển đất nước; nhiệm vụ của giáo dục phải đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, phải gắn liền nền giáo dục mang bản sắc Việt Nam với kinh nghiệm giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới, phát triển nền giáo dục nước nhà với những con người Việt Nam có phẩm giá đạo đức, tri thức khoa học, sức khỏe, thẩm mỹ, để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PGS-TS Nguyễn Xuân Tế