Điểm chung của họ là đã tạo dựng được một mái gia đình mà trong đó các thế hệ cùng chung sống hòa thuận, yêu thương nhau. Không chỉ xây dựng cuộc sống ấm êm bằng chính tình yêu thương, tôn trọng nhau, các gia đình còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, góp phần xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Sợi dây nối kết
Người dân trong con hẻm nhỏ đường Huỳnh Văn Bánh (phường 17, quận Phú Nhuận, TPHCM) nhiều năm nay luôn thấy chị SaKyNah (dân tộc Chăm) và mẹ chồng là bà PhatiMah gắn bó, thân thiết nhau. Khi mẹ chồng nấu ăn thì chị loay hoay dọn dẹp, lặt rau. Trong lúc cùng nhau làm việc, chị SaKyNah và mẹ trao đổi về công thức món ăn, về chuyện học hành của các con và cách nào để thực hiện hiệu quả các công trình Hội Phụ nữ phường vừa triển khai. Gần 7 năm về làm dâu, chị SaKyNah và mẹ ngày càng hiểu và thương yêu nhau hơn. Ít khi hàng xóm nghe bà PhatiMah than phiền về con dâu. “Con bé ngoan, hiền lành nên tôi yêu thương như con gái. Sống chung một nhà, có không hài lòng gì thì chúng tôi nói ra để cùng giải quyết, nhờ đó tình cảm mới bền chặt được”, bà PhatiMah chia sẻ.
Còn với bà Nguyễn Thị Lưu Ly (ngụ phường 10, quận 6), ở tuổi 58, nhìn lại cuộc hôn nhân 34 năm của mình, bà bật cười, hóm hỉnh bảo: “Chúng tôi vẫn ở với nhau được tới giờ này”. Bà nhận mình là người đầy khiếm khuyết, nói nhiều, nhưng may mắn vẫn được chồng thương. Hỏi bí quyết, bà Lưu Ly chia sẻ: “Tôi nói nhiều thì ổng bớt nói lại chứ không to tiếng. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của nhau, mọi việc lớn nhỏ đều bàn bạc. Quan trọng nhất là phải duy trì được bữa cơm gia đình”. Bà vẫn nhớ, ngày đến với nhau, chồng bà là Đại úy Nguyễn Văn Mậu đã 36 tuổi. Bà công tác ở Hội Phụ nữ quận 6, công việc đoàn thể bề bộn, đi sớm về khuya. Nhưng nằm lòng “bí kíp” giữ gìn hạnh phúc gia đình, sáng nào bà cũng dậy từ 5 giờ chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Trưa thì tự túc, tối về lại quây quần ăn chung bữa cơm. Theo bà Lưu Ly, đó chính là nơi gắn kết tình cảm gia đình, cho dù giàu nghèo, sướng khổ thì bữa cơm đầm ấm là điều không nên đánh đổi. Bên mâm cơm gia đình, hai ông bà khéo léo dạy con lối sống giản dị, tự lập, ham học hỏi, sống tình nghĩa. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là làm gương. Nói nhiều nhưng trẻ con sẽ nhìn vào hành động, lời nói, cách đối xử của cha mẹ với hàng xóm, với anh em họ hàng để bắt chước”, bà Lưu Ly tâm tình.
Chia sẻ về bí quyết để gia đình 3 thế hệ chung sống hòa thuận nhau, bà Nguyễn Thị Hòa (58 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM) cho rằng việc duy trì bữa cơm chung cũng như đối đãi với nhau bằng sự nhường nhịn, yêu thương là vô cùng quan trọng. Có được mái nhà hạnh phúc, các con hiếu thảo, sống chan hòa cùng mọi người xung quanh như hôm nay, bà Hòa cho rằng vai trò của cha mẹ rất quan trọng. “Bản thân mình phải mẫu mực, coi trọng chữ đức, chữ hiếu, khi con sai đường thì mình dạy con qua những câu chuyện nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị. Trên nền tảng là sự yêu thương, tôn trọng, tin tưởng, các thành viên trong gia đình tôi đã tạo được sợi dây nối kết cùng nhau”, bà Hòa bày tỏ.
Hạnh phúc khi được sẻ chia
Làm công nhân vệ sinh suốt 15 năm nay, không ít lần chị Trần Thị Ánh Xuân (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, TPHCM) nhận được những ánh mắt cám cảnh tội nghiệp từ những người xung quanh. Công việc có lẽ quá vất vả so với người phụ nữ bé nhỏ như chị. Nhưng chị bảo: “Tôi thấy mình may mắn lắm. Lúc nào tôi cũng có bạn đồng hành. Dù mưa hay nắng ảnh cũng chở tôi đi về”. Người bạn đồng hành chính là chồng chị, làm chung tổ, chung ca. Cứ sáng sáng chừng 3 giờ 30 là hai vợ chồng trở dậy, lẹ làng khăn gói chạy xe từ phường Phú Hữu (quận 9) lên chỗ làm ở quận 1. Chiều 15 giờ 30 tan ca, anh lại chở chị về lo bữa cơm chiều. Có những ngày anh được nghỉ, chị đi làm anh vẫn đòi đưa đón bằng được, ngại chị chạy xe đường xa nguy hiểm. “Bí quyết hả? Đó là không hài lòng với nhau chuyện gì chờ qua cơn tức giận nói hết ra, không để trong lòng rồi bực bội”, chị Xuân cười hiền lành nói.
Hạnh phúc của người phụ nữ, theo bà Nguyễn Thị Hòa chính là khi cả gia đình đồng thuận với nhau chuyện trong nhà lẫn ngoài xã hội. Thế nên khi về hưu, con cái đã học hành đến nơi đến chốn, bà Hòa cùng chồng tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội tại địa phương. Bà còn là người tích cực vận động người dân đóng góp để nâng cấp tuyến đường Đỗ Quang với kinh phí gần 700 triệu đồng. Học theo mẹ, các con bà Hòa cũng hăng hái tham gia công tác xã hội, nhất là phong trào hiến máu tình nguyện.
Đến nay, con gái lớn của bà Nguyễn Thị Lưu Ly đã là một đảng viên đang công tác tại Quận ủy quận 6, con trai út đang học năm cuối Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Bà đã nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài với công tác đoàn thể. Từ vận động chị em phụ nữ thực hiện chương trình 5 không, 3 sạch, chăm lo học bổng, bảo hiểm y tế cho người nghèo, rồi vận động các mạnh thường quân góp tiền xây cầu nông thôn mới tại các tỉnh miền Tây. Bà còn là hội thẩm nhân dân tại TAND quận 6. Chứng kiến nhiều vụ ly hôn mà tỷ lệ hòa giải thành rất thấp, bà nói, có lẽ cái tôi của mỗi người đều lớn quá, ai cũng nghĩ đến nhu cầu của bản thân nhiều hơn nên khó hàn gắn. “Làm sao để mọi người trong gia đình đều hướng về nhau, hướng về gia đình thì mới có một gia đình hạnh phúc…”, bà Lưu Ly đúc kết.