Tranh cãi về công bố 77 dự án nhà ở thế chấp ngân hàng

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường vừa công bố danh sách 77 dự án nhà ở ngân hàng. Ngay sau khi thực hiện công bố, đã có những phản ứng trái chiều…
Tranh cãi về công bố 77 dự án nhà ở thế chấp ngân hàng

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường vừa công bố danh sách 77 dự án nhà ở ngân hàng. Ngay sau khi thực hiện công bố, đã có những phản ứng trái chiều…

Tranh cãi đầu tiên

Ngay trong ngày 25-7, Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Gia Hòa đã lên tiếng “đính chính” về thông tin dự án do mình làm chủ đầu tư đã bị nêu tên. Theo đó, dự án công bố thế chấp là khu chung cư tại thửa 176, tờ 70, phường Phước Long B, quận 9, ngày đăng ký thế chấp 10-11-2015. Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT công ty, than phiền: khách hàng điện tới tấp đến công ty do thấy tên trong danh sách, hoang mang vì trước đây nói không vay ngân hàng nhưng nay lại lòi ra tên công ty trên đó. “Minh bạch là đúng nhưng cách thể hiện không ổn, gom tất cả các doanh nghiệp thế chấp ngân hàng vào một cục. Nên có phân loại rõ ràng, như thế chấp vì quy định của Luật Kinh doanh bất động sản là phải có ngân hàng bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai; hoặc những doanh nghiệp có nợ xấu, gây nguy cơ cho khách hàng. Công ty Gia Hòa đến giờ này dư nợ bằng 0. Hiện dự án 1.700 căn đã xây hết 1 lần, chuẩn bị cất nóc một block, 2 block còn lại đến cuối năm là xong. Theo cam kết đến tháng 12 giao 5 căn hộ đầu tư. Dự án thế chấp là để thực hiện bảo lãnh của ngân hàng theo Luật Kinh doanh bất động sản, chứ không phải thế chấp để vay vốn”, ông Lê Hùng Mạnh nói.

Cùng ngày, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, đã ký văn bản gửi các cơ quan chức năng, cho biết, sau khi Sở Tài nguyên - Môi trường công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực. Hiệp hội đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.

Dự án SSG Tower của Công ty SSG Văn Thánh, thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 4 từ 30-12-2014. Ảnh: Internet

Ủng hộ

Trong khi đó, trao đổi với PV, nhiều chủ đầu tư có dự án thế chấp ngân hàng cho rằng việc “công khai minh bạch là tốt cho khách hàng”, tốt cho chủ đầu tư làm ăn nghiêm túc, tránh vàng thau lẫn lộn. Bởi vì, trong danh sách công bố chỉ có một số rất ít trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án ngân hàng, sau đó bán nhà cho khách hàng nhưng không làm thủ tục giải chấp, đến nay mặc dù giao nhà cho khách hàng rất lâu mà sổ vẫn nằm trong ngân hàng!

Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Nova, cho biết, các dự án công ty thế chấp vay vốn ngân hàng đều công bố rõ cho khách hàng biết trước khi quyết định mua bán; khi ký hợp đồng bán cho khách hàng công ty tiến hành giải chấp ngân hàng. Ngân hàng tài trợ cho khách hàng mua nhà cũng chính là tài trợ cho công ty đóng tiền sử dụng đất hoặc mua dự án. Toàn bộ khoản tín dụng vay ngân hàng trả đều đặn, nên ngân hàng mới cho vay tiếp, điều đó giải thích tại sao các dự án thế chấp chỉ xuất hiện năm ngoái hoặc năm nay mà thôi. Việc công khai như thế sẽ tốt cho thị trường, uy tín của chủ đầu tư sẽ tăng cao nếu thực hiện đúng cam kết giao nhà, giao giấy chủ quyền cho khách hàng. Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt, lý giải, đối với dự án thế chấp ngân hàng, chỉ khi nào ngân hàng cho bán thì chủ đầu tư mới được bán, do đó việc công bố sẽ làm cho thị trường minh bạch…

Trong khi đó, mặc dù không có dự án nào nằm trong bảng danh sách công bố thế chấp ngân hàng, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh, băn khoăn: “Nên hiểu rằng việc thế chấp ngân hàng là việc hết sức bình thường, được pháp luật cho phép trong kinh doanh, chứ không phải những dự án thế chấp là giống như nợ xấu. Nếu nhìn góc độ tiêu cực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản”.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục