
(SGGP-12G).- Phim truyền hình nhiều tập Bộ tứ 10A8 đang chiếu trên VTV3 được giới thiệu là món quà đầu hè hấp dẫn những khán giả tuổi teen. Bộ phim hứa hẹn sẽ cho thấy một góc nhìn khác về lứa tuổi teen - với những cảm nhận chân thực về đời sống học đường nhiều vui buồn, yêu thương và cả những mặt trái, tiêu cực qua chính con mắt của các bạn học sinh. Thế nhưng, qua gần 10 tập được phát sóng, khán giả đã đặt câu hỏi “Tuổi teen là vậy sao?”.
Chân thực?

Một cảnh trong phim Bộ tứ 10A8
Bộ tứ 10A8 mở đầu bằng câu chuyện của Phan Linh - một cô bé lớp 10 “hậu đậu”, nhưng học giỏi và rất giàu trí tưởng tượng - chuyển đến một ngôi trường mới. Cuộc sống của cô đã có những thay đổi khi sống trong tập thể lớp 10A8. Tại đây, Phan Linh, Lala và Mai Lâm đã trở thành những người bạn thân thiết. Nhân vật thứ 4 của bộ tứ là Hồng Mỹ đã xuất hiện và tạo ra nhiều tình huống bất ngờ.
Phải thừa nhận, Bộ tứ 10A8 với những bối cảnh xoay quanh mối quan hệ trong trường học, gia đình... có được một ê kíp làm phim trẻ, năng động với đạo diễn Hoàng Điệp và Phùng Tú, nhóm biên kịch Minh Anh (viết Lập trình trái tim), nhóm biên kịch Quốc Đạt và dàn diễn viên là đại diện của thế hệ 9X.
Khác với những bộ phim trước đây, phần lớn diễn viên tham gia Bộ tứ 10A8 là những gương mặt “mới toanh”. Thùy Anh (vai Phan Linh) sinh năm 1995 và đang học lớp 8, Ngọc Phượng (vai Hồng Mỹ) đang học lớp 12, Mai Chi (vai La La) và Cao Dương (vai lớp trưởng Mai Lâm) đều là sinh viên. Đó là một trong những nỗ lực đi tìm gương mặt mới, tìm sự gần gũi với giới trẻ của đoàn làm phim, song, sau 10 tập công chiếu, khán giả không tránh khỏi cảm giác “gai gai”.
Chị Minh Thu, nhân viên văn phòng ở Hà Nội thốt lên “học sinh mà vậy ư?. Váy thì ngắn, tung tẩy đi lại trong lớp, mà cô nào cũng lòe loẹt son phấn, má hồng, môi đỏ. Không chỉ ở trường học, ngoài đường, ngay cả khi ở nhà mặt mũi cô nào cô ấy cũng được trang điểm rất kỹ.
Nhiều khán giả đứng tuổi cảm thấy phim quá cường điệu, không ít khán giả tuổi “ô mai sấu”, đối tượng mà các nhà làm phim hướng tới cũng có cảm giác xa lạ khi xem phim. Vân Nhi, học sinh một trường THPT ở Hà Nội cho biết: “Xem phim Việt mà em cứ tưởng là học sinh Nhật Bản hay Hàn Quốc gì đó. Chẳng có trường học nào mà đồng phục học sinh lại ngắn cũn cỡn trên đầu gối vậy cả. Hơn thế, học hành bận tối mắt, vác cái cặp sách vở đã là quá mệt rồi chẳng ai “dở hơi” lại lôi theo cả chiếc… máy khâu đến trường nữa. Thật vô lý! Nhiều ý kiến còn khắt khe hơn “chẳng lẽ tuổi teen chỉ biết tung tẩy, ăn mặc điệu đàng, vui chơi làm dáng với bạn trai...?”. Đó có thể coi là hình ảnh chân thực về tuổi teen?
Tính định hướng ở đâu?
Một trong những mục đích khi làm phim Bộ tứ 10A8 là định hướng, giáo dục cách ứng xử của giới trẻ, song dường như nhiệm vụ này vẫn chưa như mong muốn. Mặc dù hai cô con gái đang ở cấp tiểu học nhưng chị Minh Thu vẫn thấy lo lắng khi hình dung con gái mình cũng tung tẩy như các diễn viên trong Bộ tứ 10A8.
Lý giải sự lo lắng thái quá này, có ý kiến cho rằng đó là kết quả góc nhìn hẹp của nhà làm phim khi chỉ phản ảnh cuộc sống, cách nghĩ của một bộ phận rất nhỏ những học sinh tuổi mới lớn. Tuổi teen trẻ trung, năng động, tự tin, thích làm điệu, thể hiện mình... là có thật, song những nhân vật như Mai Lâm, Phan Linh, Hồng Mỹ chỉ là đại diện cho một bộ phận rất nhỏ, rất ít của học sinh tuổi mới lớn nơi TP.
Phần lớn các gia đình trong phim đều có cuộc sống khá sung túc, ăn mặc sành điệu như những “hotboy”, “hotgirl” với những mộng tưởng xa thực tế. Thầy cô nào có thể bình thản bỏ qua cái búng tay kiểu “đại ca” của lớp trưởng Mai Lâm khi thầy cô vào lớp? Chính khoảng cách quá xa vời giữa phim và đời sống khiến người xem rơi vào trạng thái xem phim Việt mà cứ ngỡ đang xem phim ngoại quốc. Tính định hướng cho giới trẻ ở đâu khi chúng chỉ thấy trên màn ảnh nhiều chi tiết, nhiều bối cảnh phi thực tế, thậm chí mang tính cổ xúy cho trào lưu “hotboy”, “hotgirl” đang hình thành trong giới trẻ.
Nếu trước khi khởi chiếu nhiều người đánh giá rất cao việc chia nhỏ các tập với độ dài chỉ khoảng 7-8 phút thì tới thời điểm này đó lại là yếu tố được coi là gây tâm lý ức chế với người xem truyền hình. Thậm chí, nhiều người sau nhiều ngày háo hức chờ đợi giờ phát sóng nay đã bỏ không theo dõi phim vì “chưa kịp ổn định chỗ ngồi để xem thì đã hết tập”, Phạm Bích Ngọc học sinh một trường phổ thông ở Hà Nội, tâm sự.
Khá lâu sau “Nhật ký vàng anh”, khán giả tuổi teen lại được ưu ái dành một thời lượng phát sóng rất ít ỏi trên truyền hình với Bộ tứ 10A8, song bộ phim lại giống như một miếng bánh ga tô để trong lồng kính, rất đẹp, rất lung linh nhưng chỉ có thể nhìn mà chẳng thể giải quyết được sự đói kém món ăn “tinh thần” của giới trẻ. Hy vọng rằng với độ dài 260 tập, Bộ tứ 10A8 sẽ có những điều chỉnh hợp lý và gần gũi với giới trẻ hơn. |
MAI AN