Xem xét chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B

Ngày 30-5, Bộ Y tế đã thông tin về kế hoạch chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B và các kế hoạch ứng phó dịch bệnh này trong thời gian tới.
Xem xét chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến nay đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc dù đầu tháng 5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch Covid-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước, cũng như rà soát các biện pháp thực tiễn phòng chống dịch của Việt Nam, xây dựng hồ sơ phân loại để chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để bàn thảo các vấn đề liên quan nội dung này. Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững và đề xuất đưa vaccine Covid-19 vào tiêm chủng thường xuyên.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, dù chúng ta chưa chuyển đổi Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không ngăn cấm đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc… để tạo thuận lợi cho đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

“Dù nếu có xếp Covid-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác thì Covid-19 vẫn là bệnh có tính đặc thù, vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch Covid-19. Đồng thời, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài”, PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới cần theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân. Đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng vaccine, truyền thông và bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương.

Tin cùng chuyên mục