Xếp hạng giúp cải tiến chất lượng giáo dục đại học

Xếp hạng đại học (ĐH) đang nhận được sự quan tâm và trở thành chiến lược của nhiều trường ĐH trên thế giới để đối sánh chất lượng hoạt động, từ đó có những giải pháp cải thiện và phát triển phù hợp. Tại Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã được xuất hiện trên bảng xếp hạng do các tổ chức uy tín thực hiện như Quacquarelli Symonds (QS), Time Higher Education (THE). 

Xu thế tất yếu

Các bảng xếp hạng ĐH đánh giá 3 sứ mệnh quan trọng của một trường ĐH là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng thông qua hệ thống các tiêu chí với trọng số khác nhau, tùy theo mục tiêu và phương pháp luận của mình. Dữ liệu phục vụ xếp hạng được thu thập từ nhiều nguồn tin cậy khác nhau: do cơ sở GDĐH cung cấp, trích xuất từ bên thứ ba (đặc biệt là các dữ liệu về nghiên cứu khoa học), trích xuất từ dữ liệu quốc gia hoặc website của cơ sở GDĐH, thông qua ý kiến của các bên liên quan. 

Các chuyên gia đang làm việc tại Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: THANH HÙNG
Mặc dù còn nhiều tranh luận trái chiều về sự phù hợp của các tiêu chí và trọng số đánh giá, sự hiện diện của các bảng xếp hạng ĐH là xu hướng tất yếu và không thể phủ nhận, khi nhiều quốc gia đầu tư rất lớn cho các dự án trọng điểm nhằm đưa cơ sở GDĐH của mình vào vị trí hàng đầu của các bảng xếp hạng toàn cầu. Chẳng hạn, Dự án 5-100 của Nga với mục tiêu đưa 5 ĐH hàng đầu của nước này vào tốp 100 ĐH xuất sắc nhất thế giới; Đức và Pháp đầu tư hàng triệu euro thu hút giới tinh hoa thế giới đến nghiên cứu, học tập tại quốc gia này nhằm chen chân vào các bảng xếp hạng toàn cầu; Trung Quốc lập ra C9 - tương đương Ivy League của Hoa Kỳ - gồm các ĐH hàng đầu của quốc gia này để tập trung nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia là những quốc gia có chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy các ĐH tham gia và cải thiện vị thế trên các bảng xếp hạng. 


Hiện nay, theo công bố của IREG Observatory on Academic Ranking and Excellence (Tổ chức quốc tế về xếp hạng ĐH, do nhóm các chuyên gia quốc tế về xếp hạng ĐH thế giới thành lập), lĩnh vực GDĐH có gần 100 bảng xếp hạng với các mức độ khác nhau, bao gồm 31 bảng xếp hạng quốc tế, 9 bảng xếp hạng khu vực và 57 bảng xếp hạng quốc gia. 

Những tín hiệu tích cực 

Trong năm 2022, các cơ sở GDĐH của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE; 5 cơ sở GDĐH trong bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); vừa có thêm 2 cơ sở GDĐH (tổng cộng là 5 cơ sở) nằm trong bảng xếp hạng QS World; 10 cơ sở nằm trong bảng xếp hạng Webometrics; 5 cơ sở trong bảng xếp hạng các trường ĐH ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021); 11 cơ sở trong bảng xếp hạng ĐH châu Á (QS Asian University Rankings 2022); 7 cơ sở GDĐH trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022.

Trong các cơ sở GDĐH được xếp hạng, thương hiệu và vị thế quốc tế của ĐH Quốc gia TPHCM từng bước được khẳng định khi lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới với thứ hạng cao và thành tích nổi bật ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, về uy tín học thuật, ĐH Quốc gia TPHCM thuộc tốp 400 thế giới (theo QS World 2022) và tốp 100 các cơ sở GDĐH có uy tín học thuật tốt nhất châu Á (theo QS  Asian University Rankings 2022). ĐH Quốc gia TPHCM là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong tốp 301-350 các cơ sở GDĐH có tỷ lệ sinh viên có việc làm tốt nhất toàn cầu trong 4 năm liền (theo QS Graduate Employability Rankings); đặc biệt tiêu chí cựu sinh viên thành đạt có thứ hạng 193, thuộc tốp 200 thế giới. Ngành Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) được xếp hạng tốp 101-150 các cơ sở GDĐH xuất sắc toàn cầu, theo QS World University Rankings by Subject 2021. Đây là thứ hạng cao nhất theo lĩnh vực được xếp hạng quốc tế từ trước đến nay của các trường ĐH Việt Nam. Cùng với đó, chất lượng và hiệu suất nghiên cứu của ĐH Quốc gia TPHCM đạt mức tương đương các trường ĐH tốt nhất khu vực ASEAN và tốp 100 châu Á. Hiện nay, tất cả các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đều đạt kiểm định chất lượng cấp cơ sở đào tạo, dẫn đầu Việt Nam về số chương trình đào tạo đạt kiểm định trong nước và quốc tế... 

Có thể thấy rằng, thành quả của xếp hạng ĐH quốc tế tạo tác động tích cực đến toàn hệ thống GDĐH Việt Nam nói chung cũng như mang đến nhiều lợi ích cho các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TPHCM. Tham gia xếp hạng ĐH là một tiến trình trong mô hình cải tiến chất lượng liên tục, sau khi hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được hình thành và hoạt động kiểm định chất lượng được triển khai đồng bộ. Thông qua việc đối sánh kết quả xếp hạng, các cơ sở GDĐH sẽ nhận thấy được những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực GDĐH.

Theo đó, cải tiến chất lượng liên tục là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính cạnh tranh bền vững với các ĐH trong khu vực và thế giới. Trên cơ sở dữ liệu đối sánh, các cơ sở GDĐH sẽ biết được mình mạnh, yếu ở điểm nào để từ đó tự cải tiến, đồng thời nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, tăng cường công bố quốc tế, đa dạng hóa và mở rộng phương thức hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, thực hiện đổi mới sáng tạo giảng dạy và học tập.

Tin cùng chuyên mục