Sau rất nhiều đơn khiếu nại của các nghệ sĩ được gửi đến các cơ quan quản lý, các phương tiện thông tin truyền thông trong thời gian qua về việc xét tặng giải thưởng và danh hiệu Nhà nước trong lĩnh vực VH-NT, ngày 11-8, Bộ VH-TT-DL đã chủ trì họp báo về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều thắc mắc, câu hỏi của phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Phải đạt 100% số phiếu
Theo ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng của Bộ VH-TT-DL, Hội đồng xét tặng giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu NSND, NSƯT cấp Bộ đã có nhiều điểm mới so với những lần xét giải trước.
Cụ thể, trong công tác thẩm định, qua 6 bước và chấm chéo nhau, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan. Bên cạnh đó, cách thành lập hội đồng cũng được đổi mới. Bộ lập 13 hội đồng trong đó có 9 hội đồng xét giải thưởng và 4 hội đồng xét danh hiệu. Mỗi hội đồng có 5 - 7 thành viên, các thành viên trong hội đồng đều được gửi trước trích ngang hồ sơ gửi xét từ 3 đến 5 ngày để có thể nắm được thông tin chính xác về hồ sơ xét tặng. Các thành viên cũng phải làm bản nhận xét đối với hồ sơ khi chấm. Đặc biệt, khi Hội đồng cấp Bộ xét xong, danh sách các hồ sơ được gửi lên Hội đồng chuyên ngành đều được Bộ công khai.
Theo ông Nguyễn Hải Anh, các trường hợp được xét đặc cách cũng rất “ngặt”. Ngoài việc các nghệ sĩ có thành tích, cống hiến đặc biệt với cộng đồng thì họ cũng phải đạt được 100% phiếu bầu của hội đồng. Dẫn chứng với trường hợp nghệ sĩ Bùi Công Duy, ông Hải Anh nói, đây là nghệ sĩ có nhiều thành tích, giải thưởng nên dù số năm cống hiến thấp (6 năm) nhưng cũng được cấp cơ sở đưa vào danh sách đặc cách xét tặng danh hiệu NSƯT. Rất tiếc, tại Hội đồng cấp Bộ VH-TT-DL, nghệ sĩ Bùi Công Duy lại không đạt được 100% số phiếu theo quy định nên đã bị loại.
Theo ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cũng nhờ có sự nghiêm túc, minh bạch nên trong lần xét tặng Giải thưởng và danh hiệu Nhà nước trong lĩnh vực VH-NT này có ít khiếu kiện hơn lần trước. Cụ thể là thời điểm này mới nhận được 17 đơn thư khiếu nại so với 125 đơn thư của kỳ xét tặng trước. Song dù ít đơn thư nhưng dường như mọi giải thích từ phía những người có trách nhiệm về khiếu nại này vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Giải quyết bằng giải pháp tình thế?
Trước câu hỏi tại sao lại có việc bổ sung tên của các nhạc sĩ vào danh sách xét thưởng khi có khiếu nại, phải chăng Hội đồng cơ sở đã làm chưa hết trách nhiệm, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho biết: “Trong thông tư hướng dẫn, để được xét giải thưởng Nhà nước, các nhạc sĩ có quyền làm hồ sơ với tác phẩm và cụm tác phẩm. Trường hợp các nhạc sĩ bị loại là do cụm tác phẩm của họ chưa đạt đủ số phiếu, sau khi có khiếu nại, chúng tôi gỡ rời từng tác phẩm ra và xét theo từng tác phẩm nên tiếp tục đưa vào danh sách”.
Rõ ràng đây là một cách giải thích thiếu thuyết phục bởi cho dù là “tác phẩm” hay “cụm tác phẩm” thì “nguyên liệu” của nó cũng như nhau. Nếu ngay từ đầu, Hội đồng cơ sở chịu khó “gỡ rời” từng tác phẩm thì sẽ không có chuyện khiếu kiện đầy bức xúc của các nhạc sĩ như vậy. Thêm nữa, với câu hỏi liệu có tiếp tục gỡ rời các tác phẩm đối với các tác giả khác không thì lại không nhận được câu trả lời từ phía người có trách nhiệm.
Một tranh cãi khác vẫn chưa được thỏa mãn là trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước, trong danh sách xét giải Nhà nước, 2 bộ phim của ông là “Những công dân @” và “Sự nhọc nhằn của cát” do có đơn khiếu nại của 2 nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú nên cuối cùng đã không được xét. Bộ cho biết trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước không xét là do chưa có sự đồng thuận của các đồng tác giả.
Cuộc họp báo kết thúc khá muộn song những “lùm xùm” của kỳ xét tặng danh hiệu và giải thưởng vẫn còn nguyên đó. Phải chăng đã đến lúc cần phải xem xét một cách tổng thể các tiêu chí, phương thức xét duyệt… khi mà nó còn quá nhiều điều chưa rõ ràng?
VĨNH XUÂN