Xét tuyển nguyện vọng 2 tại TPHCM: Lạ lùng và bất ngờ

Quá tải
Xét tuyển nguyện vọng 2 tại TPHCM: Lạ lùng và bất ngờ

Hôm qua 25-8 là ngày đầu tiên xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 nhưng nhiều trường đã tự đặt ra những quy định lạ khiến thí sinh lúng túng. Đặc biệt, nhiều thí sinh dù điểm thi 3 môn chỉ đạt 10 – 11 điểm cũng được các trường gửi giấy báo trúng tuyển đại học!

Thí sinh chen lấn chờ đóng lệ phí xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chiều ngày 25-8. Ảnh: THANH HÙNG.

Thí sinh chen lấn chờ đóng lệ phí xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chiều ngày 25-8. Ảnh: THANH HÙNG.

Quá tải

Điểm mới của xét tuyển NV2 năm nay là Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh chọn 2 phương án: nộp phiếu điểm trực tiếp tại trường hoặc gửi qua đường bưu điện. Quy định này giúp thí sinh, nhà trường giảm được nhiều phiền phức so với những mùa tuyển sinh trước đây khi nhiều thí sinh cách trường vài bước chân cũng phải gửi hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện.

Ngày 25-8, tại Trường Đại học Sài Gòn, Báo Giáo dục TPHCM phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Ngày hội tư vấn xét tuyển nguyện vọng 2, 3, với chủ đề “Cùng bạn quyết định tương lai”. Có 38 trường đại học - cao đẳng - trung cấp trên địa bàn TPHCM tham gia ngày hội. Tại ngày hội, có chương trình tư vấn du học, tư vấn xét tuyển cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho học sinh.

N.Lành

Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên áp dụng quy định mới, thí sinh lại tiếp tục bị… làm phiền bởi những quy định lạ từ các trường.

Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, khi thí sinh trình phiếu điểm, ngay lập tức các nhân viên chìa ngay tờ giấy “Đơn xin xét tuyển NV2, NV3 năm 2010-2011” và yêu cầu thí sinh phải điền một loạt khoảng mấy chục mục bỏ trống, sau đó mới kẹp với phiếu điểm để nộp hồ sơ. Tương tự, tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, thí sinh cũng phải tốn thời gian khi phải điền thêm thông tin vào đơn xin xét tuyển NV2 dù đã có đơn chính thức là phiếu điểm.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dường như quá tải khi từ sáng tới chiều, lượng thí sinh, phụ huynh đến nộp hồ sơ NV2 lên đến hàng ngàn người. Lúc đầu, nhà trường phân ra nhiều khâu gồm nhận số thứ tự, nộp lệ phí xét tuyển, mua hồ sơ trúng tuyển, nộp hồ sơ tại từng khoa... Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, các khâu dường như bị động khi số thí sinh đông nghẹt. Tại khu vực nộp lệ phí xét tuyển, thí sinh và phụ huynh mướt mồ hôi khi chen lấn tranh nhau đóng tiền. Có thí sinh nhận số thứ tự từ sáng nhưng đến cuối buổi chiều vẫn ngồi chờ gọi số vào nộp lệ phí xét tuyển. Một số khoa lại đưa ra những quy định lạ như: không chấp nhận bì thư của thí sinh có đóng dấu bưu điện mà buộc thí sinh phải mua bì thư của trường với giá 6.000 đồng/2 cái, có khoa còn bắt thí sinh mua hồ sơ trúng tuyển sẵn với giá 10.000 đồng/2 bộ. Tại Khoa Động lực, khi thí sinh thắc mắc tại sao trường không nhận bì thư có dán tem, đóng dấu bưu điện, nhân viên của trường cho biết đây là quy định riêng của trường.

Nhiều trường ĐH khác tại TPHCM dù đã dự tính phương án đối phó với áp lực thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp sẽ đông nhưng đều bị vỡ kế hoạch.

Bỗng dưng... trúng tuyển

Trước khi chính thức xét tuyển NV2, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản yêu cầu các trường ĐH-CĐ không gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3. Tuy nhiên, quy định này dường như vẫn không đủ cơ sở để buộc các trường tuân thủ khi hàng loạt trường tranh nhau gửi giấy báo nhập học, giấy báo trúng tuyển… đến thí sinh.

Một thí sinh nhận được thư báo trúng tuyển “lạ” của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Một thí sinh nhận được thư báo trúng tuyển “lạ” của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Sáng 25-8, nhiều thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đều phân vân về thư báo trúng tuyển do trường này gửi đến thí sinh. Thư báo đến thí sinh Trịnh Thị Ngọc Thu (thi khối B được 10,5 điểm) với nội dung rất kỳ lạ: “Thí sinh nêu trên đã được xét trúng tuyển vào hệ đại học chính quy của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng niên khóa 2010 – 2011”. Nội dung trong thư còn đề nghị: “Nhận được thư báo này, thí sinh chọn một trong số các ngành cùng khối thi và cầm giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh 2010 đến văn phòng ban tuyển sinh của trường để nhập học”. Điều đáng nói là trong thư chỉ ghi mỗi tên thí sinh còn các thông tin như ngày tháng năm sinh, địa chỉ, điểm thi, ngành học… đều bỏ trống (thí sinh tự điền) nhưng lại khẳng định là “đã được xét trúng tuyển”? Trong khi đó, đối với các thí sinh đã trúng tuyển NV1, sau khi đóng học phí, các thí sinh mới được nhận giấy báo trúng tuyển chính thức của trường.

Thí sinh Phạm Minh Tú (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) dự thi Trường ĐH Sài Gòn (12 điểm, khối A) và CĐ Kinh tế TPHCM (16 điểm, khối D1) và đều rớt NV1 cả 2 trường. Tuy nhiên, Tú đã nhận đến 20 giấy báo nhập học, giấy báo trúng tuyển vào những trường mà thí sinh này không hề đăng ký như: Trường CĐ Vạn Xuân, chương trình hợp tác quốc tế NIIT của Trường ĐH DL Hoa Sen, Trường CĐ Nghề Việt Mỹ, CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ TPHCM, Trường ĐH FPT… Nhiều thí sinh khác cũng tỏ ra bất ngờ khi nhận được hàng loạt giấy báo nhập học từ các ĐH, CĐ đến trường nghề dù đã rớt NV1.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục