Không khí tết xưa bao giờ cũng tới sớm. Mới ngày đầu tháng Chạp, má tôi và các bà má trong làng đã rộn ràng đi chợ. Đầu trên dặn bà bán thịt heo, đầu dưới dặn ông bán lá chuối, dây lạt, dặn đầu này, dặn đầu kia, một vòng chợ là dặn đủ hết những gì cho tết.
Nỗi nhớ tết xưa đi cùng cơn gió chướng thổi bay lá chuối phơi trên nia trên sân nhà. Tôi được giao nhiệm vụ trông coi lá chuối, chạy theo cơn gió, lượm những lá chuối bị cuốn bay, neo chúng lại dưới cục đá to. Những trưa tháng Chạp xa xưa, ngồi bên thềm nhìn lá chuối phơi bình yên đến lạ.
Tết xưa không phải đùng một cái là đến, phải đi qua nhiều âm thanh, mùi hương và cả nỗi nôn nao chờ đợi. Tiếng nổ cốm đầu làng pha tiếng hò reo của con nít. Mỗi lần cốm nổ “đùng” dưới củi nóng được nung, bọn trẻ con hò reo sung sướng. Đường làng, người người vác bao cốm nổ về nhà. Làng trên, xóm dưới thập thình những âm thanh dộng cốm.
Mùi hương tết còn là mùi cốm, bánh in, bánh thuẫn, mứt tết… Ngày đó, các cô, các chị trong nhà phải học nữ công gia chánh. Siêu thị chưa có, chợ chỉ bán nguyên liệu. Những người phụ nữ ngày đêm đứng trong căn bếp, khéo tay tạo nên tết đầy đủ, no ấm.
Quay quắt nhớ tết xưa không thể nào thiếu cảnh gói và nấu bánh tét. Những gì má lo lắng, dặn người bán hàng từ trước cuối cùng cũng được đền đáp. 28 tháng Chạp, cả nhà sum vầy ngồi gói bánh tét. Đậu xanh và nếp, chị ba đã ngâm tối hôm trước. Đứa nhỏ nhất trong nhà là tôi lau lá chuối. Chị sáu làm nhân đậu. Ba, má và chị ba gói bánh tét. Cậu chín nhà bên cạnh lúc nào cũng được mời qua nhà tôi gói bánh. Cậu chín gói rất đẹp, siết dây lạt phải nói là “thần sầu”. Có thêm người, chuyện nhà, chuyện tết, chuyện làng cứ thế mà rôm rả.
Ông bà ngoại nhận đỡ đầu một người Raglai ở núi Phước Chiến. Ngày cuối tháng Chạp, ông bà kêu người đánh xe ngựa chở lỉnh kỉnh nếp ngâm, nồi to… lóc cóc chạy lên núi. Năm đó tôi được đi theo. Ngựa chạy ngược chiều gió, gõ móng từ gà gáy tới trưa thì tới núi. Đi quanh co trên con đường núi, rẽ vào con đường làng thì tới một bãi cỏ rộng, có suối và hoa mai, lóc nhóc những người Raglai đang đón chờ ông bà. Chỉ chờ buộc ngựa mọi người bắt tay vào việc. Ai nấy xúm xít ngồi gói bánh tét. Ông bà ngoại nhiều ruộng, nhiều lúa gạo nên đã gói bánh tét cho một vài người Raglai là bà con, họ hàng, bạn bè của người ông bà đỡ đầu. Cảnh đêm xuân nấu bánh tét trên núi in sâu trong trí nhớ bé nhỏ của tôi. Vẫn mùi khói, mùi lá, mùi củi nhưng đêm xuân núi lạ lẫm, hoang vu. Tôi cố căng mắt nằm nghe mọi người chuyện trò, tiếng Kinh và tiếng Raglai pha trộn. Nhưng đêm xuân lạnh và cái mền quá ấm, tôi nằm với mấy đứa nhỏ Raglai và ngủ lúc nào không hay. Có lúc thức dậy vì tiếng cười to, những cánh hoa mai rụng xuống người khiến tôi mơ màng như đang ở một vùng hư thực.
Đi qua thời gian, ôm má và nhìn đứa nhỏ là tôi ngồi hân hoan lau lá chuối, đi qua những sàng, những nia đầy ắp cốm nổ, người lớn và con nít xúm xít ngồi lượm vỏ trấu để cốm được làm sạch sẽ. Đêm giao thừa tết xưa nằm thao thức trên bộ ván gỗ, tôi nôn nao, thao thức trước sự giao chuyển thiêng liêng của đất trời trong tiếng pháo nổ đì đùng khắp thôn làng.
Mùng một tết, cả nhà tôi (trừ ba và anh trai) mặc áo dài đi mừng tuổi nhà ông bà nội, ngoại. Thời đó, các lễ lớn phụ nữ mặc áo dài truyền thống. Tôi cũng được may một cái áo dài đỏ, xúng xính mang đôi hài cũng màu đỏ. Trên đường làng, nhà nhà đi mừng tuổi, các tà áo dài đủ màu sắc bay trong gió mới.
Ông bà ngoại tôi, ngồi ngay ngắn bên bộ bàn ghế chữ U giữa nhà. Bà ngoại áo dài, ông ngoại cũng áo dài, khăn đóng. Con cháu, họ hàng quay thành một vòng cung mừng tuổi, chúc ông bà sống lâu trăm tuổi. Tiếng người, tiếng cười, tiếng nói rộn rã cả sân nhà.
Hình ảnh ấy, những gương mặt ấy, tiếng cười ấy giờ đã trong dĩ vãng.
Giờ tết nay, tôi có niềm an ủi là ngắm hoa mai, hoa cúc ta, hoa lay ơn, hoa vạn thọ… Những loại hoa tết xưa chị ba chăm chút cắm khắp nhà nay vẫn rộn ràng đua nở, chưa “thất truyền”. Hoa vạn thọ ba má tôi thích, nhiều người cũng thích. Loại hoa nở bung hương sắc, rẻ, đẹp, giản dị, giàu nghèo gì cũng chơi được. Hiểu quy luật của thời gian nhưng tết đến không thể không nhớ những người thân đã cùng ta vui cười trong những tết xưa dĩ vãng.
KHÁNH LIÊN
TP Phan Rang Tháp Chàm - Ninh Thuận