Xã An Hiệp nằm dưới chân đèo Quán Cau trên quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là xứ sở của ngựa thồ. Người dân trong xã sắm ngựa thồ để mưu sinh. Ai cần gì thồ nấy, từ việc nhỏ nhất như thồ sạn cát xây mồ mả ông bà, đến việc lớn hơn như thồ cây giống dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc và thồ luôn trụ phát sóng các trạm điện thoại.
Ngựa thồ ở đây có từ thuở xa xưa, thời cha ông tận dụng ngựa thồ để tải đạn, lương thực để đánh giặc ngoại xâm.
Ngựa thồ cát sạn làm đường bê tông nông thôn ở xã An Hiệp
Gặp tại Ma Y
Nửa buổi sáng, chúng tôi đến xã An Hiệp, đi trên con đường bê tông len lỏi qua xóm nhà rồi nhìn ra cánh đồng tìm ngựa nhưng rảo cả giờ chỉ thấy một con ngựa đang bị cột cho ăn cỏ trên đám đất gò. Đứng đợi một lúc, chủ nhân con ngựa xuất hiện, tôi thắc mắc vì sao ở đây “nổi tiếng” là xã ngựa mà chỉ thấy duy nhất con ngựa này? Ông Đỗ Kim Tân, chủ ngựa giải thích, ngựa thồ ở đây có nhiều tốp, tốp ở nhà đã lên rẫy từ sáng sớm, còn tốp đi làm ăn xa lên tận Gia Lai, Đà Lạt (Lâm Đồng) và ở đó 2 - 3 tháng mới về. Con ngựa này mới mua đang tập làm quen với chủ, chiều nay cũng sẽ thồ chuyến cây “lấy ngày” lên rẫy.
Mời khách vào nhà nhâm nhi ly nước trà, ông Tân cho biết, người nuôi ngựa thồ ở xóm này có “dây mơ rễ má” với ông hết, em rể ông có 1 con ngựa, cháu rể có 2 con và anh ruột có 3 con. Hiện tốp em rể là Lê Văn Thu đang thồ trụ phát sóng Viettel (trạm BTS) ở thôn Ma Y, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa, Phú Yên), cách đây trên 100km. Từ số điện thoại ông Tân cho, chúng tôi liên lạc; trên núi cao, anh Thu “a lô” và vui vẻ đồng ý hẹn ngày gặp tại Ma Y…
Đến thôn Ma Y chúng tôi gặp một tốp ngựa thồ vừa xuống núi, các ông chủ đang tháo yên ra cho ngựa nghỉ trưa lấy sức. Ngồi ở lán trại chờ ráo mồ hôi, anh Thu tranh thủ “rà” lại đôi dép nhựa mòn sát gót để cạy lấy ra cây gai rừng đâm xuyên qua đế dép, nói: “Tháo yên ngựa ra là xuống suối múc nước cho ngựa uống, bỏ cỏ cho ngựa ăn. Lo cho ngựa xong thì lên trại chuẩn bị bữa trưa; người mồi lửa nấu cơm, người ra bìa rừng hái lá giang nấu chua”.
Anh Nguyễn Văn Pháp, một thành viên trong tốp ngựa thồ trẻ tuổi nhất đảm nhận khâu nấu cơm. Cơm sôi cạn nước, Pháp gạt bớt than rồi lui cui hâm lại nồi cá kho, anh nói: Sống trên núi nên thức ăn chủ yếu là cá kho mặn, thỉnh thoảng mới có cá tươi do dân buôn tải lên đây bán.
Tâm sự về công việc, anh Huỳnh Thái Phong, người lớn tuổi nhất trong đoàn, cho hay: Trụ phát sóng xây dựng trên đỉnh núi cao, chỉ có ngựa mới thồ được đá, xi măng, thanh trụ… lên đó cho thợ xây móng, lắp ráp. Ngựa thồ đủ loại, có con mã đại (ngựa lai to) thồ đến 200kg, ngựa cỏ yếu sức chỉ thồ 100kg. Một khi đã cùng đưa ngựa lên làm chung công trình thì tiền bạc chia đều, chỉ khác ngựa ai nấy nuôi riêng, vì ông bà có câu “ngựa ai nấy cưỡi”. Ngựa nhận dạng chủ giỏi lắm; không phải chủ, nếu đến gần “ép” ngựa làm việc nó sẽ trở chứng, có lúc còn bị ngựa đá đau thấu xương”.
Có một “bí quyết” được anh em tiết lộ là nếu thồ hàng lên đèo, lội suối thì chọn ngựa cái, chứ không sử dụng ngựa đực vì ngựa cái hiền lành, dễ dạy hơn ngựa đực.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
|
Đang trò chuyện râm ran như buổi “hội thảo ngựa thồ”, chợt có 3 ngựa thồ từ Gia Lai đi tắt đường băng rừng xuống. Anh Võ Thanh Tùng, một chủ ngựa, cho hay: “sáu anh em trong tốp nhận thồ cây giống, phân bón trồng rừng cho Công ty Quốc Cường ở khu rừng Chi Bạ (Gia Lai) với số tiền 121 triệu đồng và thồ ròng rã hai tháng rưỡi. Mùa mưa ở Tây Nguyên như trút nước nên phải “mặc áo mưa” bằng cách quấn tròn tấm ni lông từ lưng xuống bụng cho ngựa đỡ lạnh. Những ngày mưa dầm dề, nước suối dâng cao phải cho ngựa nghỉ. Bây giờ chuyển ngựa về đây thồ trụ phát sóng di động chắc “nằm rừng” thêm hai tuần nữa mới về lại An Hiệp.
Nói về cực nhọc nghề ngựa thồ, anh Võ Thanh Tùng mau miệng kể, thường những nơi “chằn ăn trăn quấn”, xe tải chịu thua thì chủ công trình mới đặt hàng cho ngựa thồ. Ở Gia Lai thồ trồng rừng phải đi qua 3 ngọn đồi khoảng 5km, lên xuống tất cả 10km, một ngày thồ 3 chuyến như vậy. Người và ngựa cùng mưu sinh nên cùng chia khổ với ngựa; lúc đi lên ngựa thồ hàng, khi xuống ngựa đi không, đôi khi muốn leo lên lưng ngựa cưỡi cho đỡ mỏi chân nhưng thấy ngựa ngày nào cũng thồ hàng cực nhọc nên anh em ráng đi bộ cùng ngựa.
Về lại xã An Hiệp, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Chi, người trong xã còn gọi là Năm Cai vì ông có tài huấn luyện ngựa, con ngựa nào “cứng đầu khó dạy” qua tay ông cầm cương một thời gian ngắn là phải cong lưng thồ hàng. Ông Chi cho hay: Ngựa thồ ở đây có từ xa xưa, thời cha ông tận dụng ngựa để tải đạn, lương thực đánh giặc ngoại xâm. Ông gắn bó nghề nuôi ngựa thồ cũng trên 30 năm, khi đó ông mua ngựa giống tận Lào Cai đưa về Phú Yên hành nghề. Còn sau này mua ngựa thồ ở trại giống Đồng Nai.
Từ nhà ông Chi ở xóm 2, chúng tôi đi trên con đường bê tông thoáng đãng qua xóm 1 (thuộc thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp). Hoàng hôn buông xuống, ông Nguyễn Văn Tấn, một người dân ở xóm 2, ra đứng trước nhà nhìn con đường rồi trầm trồ: Đây là con đường nông thôn mới do người dân hiến đất và ngựa thồ góp công sức làm nên. Con đường đẹp như trong tranh, vì có đoạn đi ngang qua xóm nhà, có đoạn xuyên qua cánh đồng. Trước đây, đoạn xuyên qua cánh đồng, mùa mưa có nơi mặt đường bị ngập đến nửa mét, trẻ em đi học phải xắn quần, xách dép lội sình. Năm qua, xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới; ngựa thì thồ sạn, cát; người trong xóm đổ bê tông. Nay đường rộng 3m, không còn lầy lội nữa.
Len lỏi qua các thôn ở xã An Hiệp, xe máy chạy từng tốp trên những con đường đẹp. Có đoạn ôm cua vòng qua trảng gò, ghé vào cửa ngõ từng ngôi nhà. Dù chưa cán đích nông thôn mới nhưng bộ mặt nông thôn như được “thay áo mới”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp cho hay: “Toàn xã có 75 con ngựa thồ. Trước đây ở vùng này có chợ ngựa Phiên Thứ, chợ này ngựa thồ hàng nông sản từ các nơi về bán. Địa hình ở đây hiểm trở, nhiều đồi núi chỉ thích hợp để ngựa chở nông sản. Gần đây, nhiều nơi ở các tỉnh Tây Nguyên có dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc cũng xuống núi đến nhờ vào sức ngựa từ xã An Hiệp này.
MẠNH HOÀI NAM - MINH DUYÊN
| |