Đầm Cù Mông thuộc thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) rộng gần 27km². Ban ngày, đi trên quốc lộ 1A nhìn ra đầm sẽ thấy xuất hiện “cảnh 1”: những tấm rớ đủ sắc màu căng từ xã Xuân Cảnh trải dài xuống xã Xuân Thịnh rồi chạy giáp vòng qua bên kia xã Xuân Hòa. Còn ban đêm hiện lên “cảnh 2” với đèn rớ sáng rực trên đầm. Từ bao đời nay, đêm nào người dân ở đây cũng lắc thúng chai ra đầm với cây sào đèn để mưu sinh với nghề quay rớ.
Ngồi chồ quay rớ
Sẩm tối, ông Trần Thửng (65 tuổi) ở thôn Phú Dương (xã Xuân Thịnh) lắc thúng chai ra đầm, đến chỗ rớ đang căng sẵn ông leo lên chồ thả dây neo cho trụ quay trả ngược dây để rớ chìm xuống nước. Ông lại lật ngược thùng xốp đang úp trên chồ (trong đó có bình ắc quy) rồi nối dây cho đèn rớ sáng. Ngắm nhìn một hồi lâu, ông thâu dây cho bóng đèn cao lên, đâu vào đó rồi ông lắc thúng chai về. Thúng chai chậm chạp đi ngang qua mấy chồ rớ, ông nói: Nghề này làm quanh năm suốt tháng; mùa nắng, khi mặt trời lặn thì rớ cũng lặn theo, còn mùa mưa đèn nhà bật sáng thì đèn rớ trên đầm cũng thắp sáng.
Quét rớ để gom cá
Thúng chai cập bến, ông Thửng vào trong lán trại cất trên doi đất nhô ra đầm ngồi uống nước trà. Đêm đó ở đầm Cù Mông mưa rào rạt, ông nhìn ra chỗ mái tôn thấy mưa rơi nặng hạt, trầm ngâm: Quay rớ hên xui may rủi, nhưng nghề này hạp với mùa gió bấc. Xưa rày kinh nghiệm của người dân vùng này, trời có bấc rớ mới “no” vì gió lớn thổi từ biển vào tạo dòng chảy ngầm dưới đầm, cá bị ức nước bơi nhiều qua chỗ rớ gặp đèn rồi chụm lại.
Mưa vẫn kéo dài dai dẳng trên đầm, ông Thửng chậm rãi nói: Rớ có hai loại, quay ràm và quay đèn. Quay ràm không cần chong đèn, dùng lưới lỗ to, rộng cả sào đất đặt chỗ nước chảy, cứ nửa tiếng đồng hồ quay rớ lên một lần, chủ yếu bắt cá to. Còn quay đèn, tấm rớ rộng nửa sào đất đặt chỗ nước đứng chong đèn, một đêm quay hai lần, bắt từ cá nhỏ đến cá lớn. Vùng này hầu hết đều quay đèn, còn quay ràm chỉ một, hai người.
Khuya, uống ly trà đậm ông Thửng kể, ông từng có dịp đi ra Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình nhưng chưa thấy nơi nào rớ nhiều như ở đây. Xóm rớ trên đầm Cù Mông chạy dài qua 3 xã, từ xã Xuân Thịnh lên xã Xuân Cảnh rồi vòng qua bên kia xã Xuân Hòa. Vùng này có 100 nóc gia thì có đến 99 nhà sắm rớ, trừ nhà người già cả neo đơn. Vì vậy, xóm rớ ở 3 xã này có hàng trăm người ban đêm mưu sinh trên đầm. Cái hay ở đây là người dân ở khác xã nhưng khi ra giữa đầm ngồi trên chồ quay rớ thì trở thành người cùng xóm rớ trên đầm, ai cũng quen mặt biết tên.
Câu chuyện nghề rớ còn dài thì kim giờ đồng hồ nhích đến số 12, ông Thửng hối tôi cùng trở ra đầm để quay nhát rớ đầu trong đêm. Nửa đêm, giàn đèn rớ trên đầm càng thêm sáng rực. Đến nơi, ông dặn tôi khi đứng trên chồ phải vịn tay cho chặt và để ý chỗ cây sắp mục, rồi ông leo lên nhà chồ ngồi lấy thế để tay vừa quay, chân vừa đạp kéo rớ lên khỏi mặt nước. Neo cho rớ đứng xong, ông xuống chồ lắc thúng chai ra dùng roi dạt phía dưới tấm rớ, tay kia giũ cho cá dồn lại chỗ rốn rớ (còn gọi là quét rớ).
Thường quay rớ xong ông lắc thúng chai về, hôm ấy có tôi nên ông lắc thúng qua “thăm” chồ rớ của ông Hai Lấm (Phan Văn Lấm), quê ở xã Xuân Hòa. Còn cách khoảng 20m, ông Thửng hỏi xã giao: Đêm nay trúng “bộn” (nhiều) không anh Hai? Ông Hai Lấm đang quét rớ, nghiêng mình cười nói: “Bấc yếu nên cá còn thưa quá!”. Nghe xong, ông Thửng quay qua tôi giải thích: “Nói thưa chứ từ đêm tới sáng kiếm 200.000 đồng thong thả. Thưa là so với đêm dày, có người trúng cá bán bỏ túi nửa triệu bạc”.
Mờ sáng, ông Thửng đập vai tôi kêu dậy ra bến xem cá rớ, đêm qua gió bấc thổi mạnh về sáng nên rớ nào cũng trúng cá ở lần quay thứ hai. Tối qua tôi thức khuya, đến giờ mở mắt không ra nhưng vẫn ráng sức theo ông Thửng ra bến. Thúng chai từ xa ngoài đầm lắc về tấp nập vô bến; đây đó câu hỏi thăm rộn rã, tối nay “bộn” không? Có người trúng cá, từ xa chưa kịp chờ ai hỏi thăm đã mau miệng nói: Đêm nay tôi trúng trên 2 giỏ cá.
Tôi lại chỗ bà Sáu Lài (vợ ông Thửng) đang lựa cá, thấy cá liệt bà bỏ riêng đem về nhà, còn cá cơm, cá nục đem bán sa cạ. Bán cá tại chỗ xong, bà xách cái giỏ đi chợ, ông dặn bà mua thêm gói trà vì nghề rớ này với ông, bình trà là bạn tri kỷ.
Cây sào đèn “ngó nghiêng”
Từ Phú Dương tôi ngược lên xóm Nhà Ngòi rồi qua bán đảo thôn Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh) và ông Tư Rớ (66 tuổi) đang lắc thúng chai về bến. Thấy cá trong thúng tươi rói, tôi trầm trồ, ông cười: Cá đánh lưới khi gỡ ra hay bị trầy da tróc vảy, còn cá vô rớ thì “đẹp” nguyên con. Rồi ông hốt mớ cá mớm, cá liệt rửa sơ qua, bắc nồi nước lên bếp nấu ngọt ăn với bún bữa sáng.
Chồ rớ được dựng lên từ 6 - 7 cọc gỗ
Sau khi ngồi hỏi thăm “năm câu ba chuyện”, tôi ngỏ ý muốn ra đầm ban ngày để chiêm ngưỡng trọn vẹn xóm rớ trên đầm, ông Tư Rớ gật đầu rồi lắc thúng chai đưa tôi đi. Đến rớ gần nhất, ông “thuyết minh”: Cái chồ rớ ngày đêm đứng “trơ xương”, còn tấm rớ cứ đêm “ngụp” xuống ngày “ngoi” lên, còn nếu ngâm cả ngày lẫn đêm dưới biển, tấm rớ sẽ đóng rong, đêm đến quay khó lên khỏi mặt nước. Bình minh nhìn ra đầm bao la, thấy hàng trăm tấm rớ đang phơi nắng và lắc lư nhẹ trong gió…
Chồ rớ được dựng lên từ 6 - 7 cọc gỗ đóng sâu xuống đầm và chắp vá thêm nhiều đoạn gỗ nhỏ hơn để giữ vững chồ. Chỗ 4 góc đóng cây cao hơn để làm tay nắm leo lên, bước xuống. Bốn phía chồ rớ được neo chắc chắn bằng những đoạn dây thừng. Nơi ngồi quay rớ có gác ngang qua tấm ván. Trước tấm ván là nơi được gắn trục quay để kéo rớ. Phía sau chồ rớ có dây giằng to (gọi là dây cuối), dây này chịu lực khi quay nhấc rớ lên.
Còn rớ được dựng đứng bởi 4 cây sào tre dài, trên đầu tre có dây giằng giữa để rớ chùng xuống thành hình lòng chảo. Phía bên kia tấm rớ có cây sào được giằng hai dây thừng, gọi là cây sào đèn. Từ cây sào đèn nối sợi dây chạy qua tấm rớ đến chồ rớ - nơi đặt bình ắc quy gọi là dây đèn, dây này được thâu lên thâu xuống theo nước lớn nước ròng. Bình ắc quy có sợi dây điện kéo ra giữa rớ thắp bóng đèn, tuy gọi cây sào đèn nhưng không chong đèn trên đầu cây sào mà chong lệch qua một bên, nằm ở giữa rớ nên người dân ở đây thường gọi “cây sào đèn ngó nghiêng”.
“Sắm một rớ tính ra gần 20 triệu đồng, trong đó tấm rớ 10 triệu đồng và chi phí tre làm chồ, dây giằng, bình ắc quy gói gọn 10 triệu đồng nữa. Ở đây, nhiều người đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi tôm hùm, ốc hương, cá mú nhưng cũng không quên sắm rớ. Nuôi cá, tôm, ốc chờ đến mùa, đến vụ mới thu hoạch; còn sắm rớ xoay xở kiếm bạc lẻ từng đêm”, ông Tư Rớ nói.
Vòng qua nhiều chồ rớ, ông Tư Rớ kể: Chim trời, cá nước nên nhiều người sắm rớ và chịu khó thức đêm mới có nhiều cá. Riêng tôi có 4 miệng rớ nên được gọi “Tư Rớ” chứ không phải tôi thứ Tư, tên Rớ.
Ban ngày gió bấc thổi về mạnh nên mưa giăng kín mặt đầm. Lắc thúng chai tấp vô chỗ bè nuôi tôm hùm của người khác trú mưa, ông Tư Rớ nói: Ở đâu cũng vậy, trong xóm làng đôi lúc xích mích với nhau, nhưng người làm rớ có cái hay khi “mặt nặng mày nhẹ” với nhau không quá một ngày. Cây sào đèn bao đời nay thắp sáng trên đầm, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để đêm đêm lắc thúng ra đầm, chung tay thắp sáng “cây sào đèn ngó nghiêng” cho đèn rớ thêm sáng rực trên đầm Cù Mông...
| |
Mạnh Hoài Nam