Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Ra Bắc, về Nam
Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Có rất nhiều câu chuyện từ thời chiến tranh và bây giờ nghe kể lại  như là huyền thoại. Qua giới thiệu của chị Hồ Lâm Bạch Vân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, tôi gặp được chú Tư Niên - Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Tư lệnh phó Quân khu 9, tại nhà riêng ở phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ để nghe chú kể chuyện trong tiết trời chiều có gió mùa Đông Bắc se lạnh…

Chú Tư Niên bên hồ nuôi ba ba

Ra Bắc, về Nam

Chú Tư Niên có khuôn mặt hiền lành, nói năng vui vẻ. Hồi ấy, quê chú ở xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Gia đình chú lúc bấy giờ là cơ sở nuôi chứa cán bộ. Được tiếp xúc với các bậc đàn anh, những người đi trước, chàng thiếu niên Trần Văn Niên sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1950, Tư Niên vào bộ đội lúc 16 tuổi và từ đó cuộc đời bắt đầu những tháng ngày hào hùng nhưng cũng lắm gian lao… Anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng lúc mới 17 tuổi, chỉ sau một năm công tác. Sau Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ 1954, chàng trai trẻ Tư Niên xuống tàu tập kết ra Bắc. Ra miền Bắc xây dựng lực lượng 6 năm, trung úy Trần Văn Niên qua chiến trường Lào giúp bạn. Những địa danh ác liệt như Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Sa La Phu Keng đã từng ghi dấu chân người chiến sĩ miền Nam.

Năm 1963, Trần Văn Niên nhận lệnh trở vào Nam chiến đấu. Ông là một trong 7 sĩ quan pháo binh được đào tạo kỹ thuật ở miền Bắc, có mặt trên chuyến “tàu không số” chở 100 tấn vũ khí trên hải trình vào Nam ngày 5-6-1963. Tàu xuất phát từ cảng Hải Phòng, đi vòng lên đảo Hải Nam (Trung Quốc), ra hải phận quốc tế rồi sau đó xuôi theo hướng Nam. Chuyến tàu ấy là một kỷ niệm khó quên!

Lúc tàu vượt vĩ tuyến 17 chừng 200  hải lý trên vùng biển ngoài khơi Khu 5 (Bình Định, Phú Yên), đột nhiên tàu hết dầu. Thuyền trưởng huy động toàn bộ mền, võng, tăng, bạt để làm cánh buồm thô sơ. Tàu căng buồm theo gió mùa Tây Nam quay về phía Bắc! Thật gian nan và vô cùng nguy hiểm với con tàu chở hơn 100 tấn vũ khí, đạn dược. Lênh đênh 2 ngày đêm trên biển, qua khỏi vĩ tuyến 17 về phía Bắc khá xa, kiểm tra lại thì phát hiện tàu bị bể ống dẫn dầu. Dầu tràn ra lắng dưới khoang trên 10 tấn nên các thuyền viên thay nhau múc dầu đổ lại vào kết và vá ống dẫn bị vỡ. Tàu lại nổ máy quay ngược vào Nam và cập bến Rạch Ráng (Cà Mau). Thượng úy Trần Văn Niên sau đó được phân công phụ trách huấn luyện pháo binh ở Quân khu 9.

Ký ức chiến tranh

Vào đợt đầu cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn pháo binh 2311 do Tiểu đoàn Trưởng Trần Văn Niên chỉ huy,  đã cùng các lực lượng vũ trang Quân khu 9, Tiểu đoàn Tây Đô xâm nhập và chiến đấu ác liệt với quân địch suốt 60 ngày đêm ở vùng ven thành phố Cần Thơ. Sau đó, đơn vị rút về vùng Long Mỹ, Vị Thanh tiếp tục hoạt động.

Vùng đất ven thành phố giáp với Lộ Vòng Cung không một ngày yên tĩnh bởi những đợt máy bay B.52 rải thảm, pháo lớn bừa tan nát và những cuộc hành quân càn quét liên tục của đủ sắc lính, mọi phương tiện chiến tranh của địch. Nhưng âm mưu đen tối, những thủ đoạn thâm độc của địch đều bị thất bại và phá sản hoàn toàn. Vùng ven thành phố Cần Thơ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, có cả những chàng trai, thiếu nữ của lực lượng thanh niên xung phong Tây Nam bộ, của ĐBSCL anh hùng đã xông lên giữa chiến trường ngày đêm sục sôi bom đạn. Trận chiến Lộ Vòng Cung và khu vực ven thành phố Cần Thơ (quận Bình Thủy ngày nay) là bản anh hùng ca, khúc sử thi hùng tráng của quân dân thành phố Cần Thơ và khu Tây Nam bộ.

Chú Tư Niên kể lại vài kỷ niệm chiến tranh, trong đó có lần áp sát chi khu Long Mỹ, chú bị trúng đạn xuyên qua má làm gãy 18 cái răng. Còn trận chiến ở Lộ Vòng Cung, chú trúng đạn ở ngực nhưng rất may chỉ chạm nhẹ phổi và phần mềm nhưng phải mất 6 tháng mới bình phục...

Vị tướng giữa đời thường

Nhận xét về chú Tư Niên, chị Hồ Lâm Bạch Vân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, cho biết: “Có thể nói, chú Trần Văn Niên là một trong những hình mẫu của anh “Bộ đội Cụ Hồ” - trung với nước, hiếu với dân… Về với đời thường, chú là công dân tiên tiến, gương mẫu, hết lòng với cộng đồng, làng xóm…”.

     

Năm 1999, sau khi về nghỉ hưu, chú Tư Niên bắt đầu nghiên cứu kinh tế, phát triển sản xuất và xây dựng thành công mô hình  nuôi ba ba bán công nghiệp với quy trình khép kín. Cơ sở của chú trở thành địa chỉ có uy tín về con giống. Chú đã in 6.000 cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba và phổ biến (cho không) nhiều nơi, đến tận cả nước bạn Lào. Trong các mối quan hệ, với uy tín của mình, chú Tư Niên đã góp phần vận động các doanh nghiệp làm từ thiện, công tác xã hội. Cụ thể, đã giúp trực tiếp tỉnh Kiên Giang 10 tỷ đồng, Hậu Giang 700 triệu đồng, Cần Thơ 200 triệu đồng và một số nơi khác. Hồi tháng 8-2009, trong dịp gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Hai Cầu  (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) có tranh thủ đề nghị Thủ Tướng giúp tỉnh 100 căn nhà tình nghĩa. Chú Tư Niên nghe được đề nghị liền xung phong giúp 21 căn nhà cho các cựu chiến binh của Đoàn 6 gốc Kiên Giang đang gặp khó khăn về nhà ở. Những năm gần đây, chú được mời làm tư vấn, cố vấn cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại ACM, đơn vị hiện đang triển khai nhiều dự án xây dựng, trong đó có dự án lấn biển Hà Tiên quy mô lớn.

Hàng tháng chú còn tự nguyện đóng góp 50.000 đồng ủng hộ quỹ “tình đồng đội”. Nhà chú còn là địa điểm hội họp, lớp học thêm của các cháu học sinh của phường Trà An mới thành lập. Chú cười, nói như tâm sự: “Nhiều người không hiểu, nói tôi giàu có lắm, Sự thật tôi chỉ “giỏi” đi xin, vận động cấp có thẩm quyền, nhà hảo tâm có tấm lòng từ thiện. Tôi chỉ làm hết khả năng của mình…”.

Nắng chớm đông nhạt nhòa, trời chút se lạnh. Tôi giã từ một vị tướng, một người lính đã dọc ngang chiến  trường, đã từng trải qua bao trận mạc, chứng nhân lịch sử một thời của Lộ Vòng Cung huyền thoại. Chú Tư Niên sau một thời gian  đảm nhiệm trọng trách Phó Tư lệnh Quân khu 9, giờ đã nghỉ hưu. Với những công lao đóng góp cho cách mạng, chú Trần Văn Niên được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những huân chương cao quý, như:  Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và rất nhiều danh hiệu, huân, huy chương khác. Giã từ quân ngũ, giờ chú là một cựu chiến binh, một vị tướng giữa đời thường với tấm lòng vì mọi người và xã hội. Trong suốt cuộc đời của mình dường như chú chưa bao giờ ngừng nghỉ, bởi bao đồng bào, đồng chí, đồng đội, của chú đã nằm xuống, biết bao nước mắt, gian lao để làm nên cuộc sống tươi đẹp hôm nay… Bây giờ dù tuổi cũng khá cao nhưng chú Tư Niên vẫn còn làm rất nhiều công việc âm thầm, nhẫn nại, tranh thủ nhiều nơi, nhiều cấp, để giúp đỡ phần nào cho nhiều người còn lắm khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống…

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Tin cùng chuyên mục