Xử lý vi phạm trên tinh thần “trị bệnh cứu người”

Kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng; có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng. 

Đồng chí Mai Trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung ương. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Mai Trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung ương. Ảnh: TTXVN

Trong mỗi thời kỳ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã góp phần quan trọng vào việc từng bước kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Không có vùng cấm, ngoại lệ

Đối với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra ở những nơi, những lĩnh vực mà trước đây ít hoặc chưa được kiểm tra như: cơ quan tư pháp, các cơ quan trong lực lượng vũ trang, tập đoàn kinh tế nhà nước…

Qua kiểm tra, UBKT các cấp đã kịp thời xử lý những đảng viên tham nhũng, tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN. UBKT các cấp cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng PCTN của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm. Một số kết luận của UBKT Trung ương đã tạo tiền đề cho các ngành chức năng xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật (như các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ, vụ AVG...).

Có nhiều việc mới hoặc tồn tại đã lâu, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, ngành, địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh (kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm.

Trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu...) với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn. Mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục. 

Qua thực tiễn của nhiệm kỳ Đại hội XII cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm. 

Trong đó có bài học là cần thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm: giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, trong đó coi trọng giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa. Trong kiểm tra, khi có dấu hiệu vi phạm phải chủ động, kịp thời, chọn đúng thời điểm và đúng đối tượng, nội dung kiểm tra, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm để kết luận rõ ràng, chính xác, khách quan, chứng cứ đến đâu kết luận xử lý đến đó. Vi phạm của đảng viên, nhất là liên quan đến tham nhũng cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ tổ chức đảng để sớm ngăn chặn ngay từ khi mới manh nha; không để vi phạm nhỏ trở thành lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng.

Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về PCTN, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng; có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển. Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp.

UBKT các cấp tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với tinh thần chủ động, nỗ lực quyết tâm, hành động quyết liệt hơn và tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm; tăng cường giám sát để giúp cho tổ chức đảng, đảng viên kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm, không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm của một người trở thành vi phạm của cả tập thể.

Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Song phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, làm tốt hơn. Cùng với đó là công khai kết quả xử lý các vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát huy tối đa hiệu quả, tác dụng trong phòng ngừa, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh vi phạm, tạo đồng thuận và hiệu ứng tốt trong xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với các đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn liên quan; phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Song song đó, kiện toàn UBKT, tổ chức bộ máy cơ quan UBKT các cấp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…

 MAI TRỰC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tin cùng chuyên mục