Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, theo đường Lê Lai, cứ hướng Đông thẳng tiến bằng xe máy, vừa đi vừa ngắm cảnh chỉ mất chưa đầy 30 phút, tôi đã cảm nhận được những làn gió mát của biển. Một không khí vừa quen vừa lạ so với những lần tắm biển dọc dải đất miền Trung ập đến…
1. Đang vào mùa cao điểm và lại là chiều thứ sáu của tuần du lịch hè nên khách đến Sầm Sơn nườm nượp. Đi đâu cũng gặp xe biển số các tỉnh ngược xuôi.
Trên con đường Hồ Xuân Hương dọc biển, người và xe nhộn nhịp. Tiếng người cười nói cùng tiếng còi xe lanh lảnh, hòa cùng cái nóng của mùa hè tạo nên một âm thanh đặc trưng của du lịch biển. Dưới bãi tắm dài hơn 1km đông nghịt người, khung cảnh càng náo nhiệt hơn. Càng về chiều tối, người xuống biển càng đông hơn.
Khi đồng hồ chỉ 19 kém 15 phút, bãi tắm vẫn còn người. Nhưng ở trên bờ, đêm Sầm Sơn đã dần bắt đầu bằng những chùm đèn điện phát ra từ hàng trăm nhà hàng, khách sạn. Xe điện, xe xích lô bắt đầu vào giờ cao điểm lượn lờ như bướm chở khách đi ăn, đi dạo và cả cho các quý ông đi tìm chỗ thư giãn.
Trên bãi biển Sầm Sơn
Đa số các khách sạn sát biển đều kín phòng. Tìm mãi mới có một khách sạn còn phòng tên Đức Thành (2 sao), định tìm phòng nhìn ra biển nhưng em tiếp tân nói không còn, chỉ còn trống đúng một phòng phía trong nhưng giá đến 1,3 triệu đồng/đêm nên tôi đành tìm đến khách sạn Tuấn Linh, đường Lê Văn Tám ở ngay phía sau. Ngay quầy lễ tân có bảng giá khá rõ ràng: Các ngày từ thứ hai đến thứ năm giá khác, ngày thứ sáu đến chủ nhật giá cao hơn khoảng 30% và giá cũng lên xuống theo mùa. Khách sạn có tất cả 12 phòng và cũng chỉ còn mỗi một phòng trống. Trong phòng có trang bị tivi nhỏ khoảng 14 inch nhưng không mở được vì màn hình nháy liên tục, có kem đánh răng và xà phòng nhưng lại không có khăn tắm…
Sau một hồi lang thang mà không tìm được quán cơm vì các nhà hàng lúc đầu đon đả mời chào nhưng khi biết chỉ đi một mình thì tỏ vẻ lạnh nhạt từ chối nên tôi phải tìm đến nhờ anh xích lô. Anh này chở tôi về một khách sạn quen có nấu ăn cho khách ở và tôi được phục vụ bữa ăn tối với hai món cá thu sốt cà và canh cua rau đay với giá 100.000 đồng. Giá này khá rẻ và chủ nhà cũng rất nhiệt tình. Nhờ ăn ở đây mà tôi biết được khách sạn này cũng tranh thủ “chặt chém” khách đi nghỉ: Giá phòng ngày thường chỉ 350.000 đồng thì hôm nay tăng gấp đôi lên 700.000 đồng một phòng 2 giường - một hiện tượng phổ biến như ở Vũng Tàu vào cuối tuần. Và cũng ngay trong lúc dùng cơm tối, tôi đã chứng kiến cảnh lời qua tiếng lại giữa người đưa khách tới ăn với chủ nhà cũng vì trọng lượng con cua lúc còn sống so với khi dọn lên đĩa quá chênh nhau.
2. Cũng giống như ở Phan Thiết hay Vũng Tàu, vào buổi tối khi đi ra đường thì khách đông hơn dân và vào mùa cao điểm, tất cả mọi người đều tập trung làm du lịch, điển hình như anh xích lô tên L. Năm nay anh 44 tuổi, đã có vợ và hai con, đăng ký chạy xe trong Nghiệp đoàn Xích lô của thị xã. Anh tâm sự: “Mùa du lịch cao điểm hè diễn ra trong hơn hai tháng, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 8, mỗi ngày tôi ra đường từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa về, chiều 6 giờ lại ra chạy đến 12 giờ đêm, hết thời gian cao điểm lại về đi biển làm bạn chài lấy tiền nuôi vợ con”. Công việc đạp xích lô mang lại cho anh L thu nhập mỗi tháng bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng vào mùa cao điểm và chỉ bằng một nửa so với lái xe điện.
Thường một vòng dạo phố biển Sầm Sơn bằng xích lô là phải đưa khách đi hết đường biển Hồ Xuân Hương, vòng lên đường Lê Lợi một đoạn rồi quẹo qua đường Nguyễn Du, qua Lê Văn Hưu vòng về phố biển trở lại dài khoảng 3km. Nhưng cũng có một số anh xích lô chơi không đẹp với khách, chỉ đi một vòng đường biển rồi đưa khách về và giới xích lô hay gọi là “cắt đường”. Một chi tiết khác khá thú vị ở Sầm Sơn là rất nhiều chị em ôm vô lăng xe điện cũng như đạp xích lô với nụ cười thân thiện. Theo anh L thì có đến 200 người đạp xích lô là nữ - một công việc cũng khá nhọc vì đòi hỏi phải có cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai.
Toàn thị xã hiện có khoảng 400 cơ sở lưu trú với công suất 12.500 phòng và trong 6 tháng đầu năm đã đón 2,45 triệu lượt khách, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu ước đạt 1.230 tỷ đồng. Đây là con số lý tưởng của phát triển du lịch nội địa nếu chỉ xét trên con số tăng trưởng khách. Nhưng theo anh Lưu Hùng Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã, sản phẩm du lịch của địa phương còn nghèo nàn, khách đến chỉ chủ yếu tắm biển, thưởng thức hải sản rồi về và mỗi năm chỉ tập trung vào hai tháng 6-7. Mùa đông xứ Thanh lạnh nên dù đường giao thông khá thuận lợi, chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 150km nhưng khách quốc tế đến không đáng kể. Ngoài ra còn do chất lượng của bãi tắm từ bãi cát đến sự kín gió của bãi tắm không thể so sánh với các nơi có vịnh kín gió có thể kéo dài thời gian tắm trong năm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Hội An. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào Sầm Sơn.
Trong số 400 cơ sở lưu trú hiện nay thì có đến 70% là nhà nghỉ, tỷ lệ này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ, đòi hỏi cả một quá trình dài để thay đổi tư duy - kỹ năng làm du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập. Mới đây, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn FLC có sân golf 18 lỗ. Tổ hợp khách sạn cao cấp đã khánh thành giai đoạn một và đi vào hoạt động với một trung tâm hội nghị quốc tế, resort nghỉ dưỡng đạt chuẩn 5 sao, góp phần nâng cao vị thế của ngành du lịch xứ Thanh. Nhưng để cạnh tranh với các tỉnh, thành khác ở khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, du lịch Sầm Sơn cần có thêm nhiều khách sạn 3 sao, 4 sao, vì tiêu chuẩn tối thiểu để đón khách đoàn trong nước bây giờ cũng đã là 3 sao. Hiện số lượng nhà nghỉ của Sầm Sơn chiếm đến 70% là quá lớn và trong những năm tới, nếu không nhanh chóng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất lên thành khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao trở lên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chung của địa phương.
Một góc đường ven biển - trái tim của đô thị Sầm Sơn
3. Vấn đề cốt yếu nhất vẫn là con người, rất mừng là Sầm Sơn đã được tỉnh quan tâm tăng cường cán bộ cho hai vị trí chủ chốt là bí thư thị ủy (nguyên là Giám đốc Sở GTVT) và chủ tịch UBND thị xã (nguyên là Phó Giám đốc Sở KH-ĐT). Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, vạch ra các tồn tại - nhấn mạnh giải pháp thực hiện, thị xã đã lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch do Bí thư Thị ủy làm trưởng ban, lập ra 10 đội an ninh trật tự giám sát hoạt động du lịch, tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm, thể hiện quyết tâm “lập lại trật tự” kinh doanh bằng việc công khai số điện thoại đường dây nóng của chủ tịch UBND thị xã, trưởng công an, đội quản lý thị trường để kịp thời xử lý nạn “chặt, chém” du khách. Chủ tịch UBND thị xã Trịnh Huy Triều đã gửi đi một thông điệp: Nếu du khách nào bị “chặt chém”, hãy mạnh dạn điện thoại cho ông vào bất cứ giờ nào và bất cứ thời gian nào.
Thị xã cũng đã đề ra bộ quy tắc “9 có 9 không” tập trung vào các hành vi giao tiếp và ứng xử của người làm du lịch. Để cung cấp kịp thời thông tin và hỗ trợ du khách, thị xã thành lập Trung tâm Tư vấn du lịch; giao nhiệm vụ cho công an thị xã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống ép khách, ép giá trong dịp cao điểm; tổ chức lực lượng cứu hộ ở khu vực bãi biển để tăng cường đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển; ban hành kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường. Tất cả nhằm xây dựng một thói quen ứng xử văn minh du lịch, từng bước nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là 4 xã, phường có kinh doanh du lịch để nâng dần chất lượng phục vụ, tạo một môi trường du lịch thân thiện, an toàn.
VĂN PHONG
Thông tin liên quan:
>> Bài 1: Trong âm vang câu hò sông Mã