Xuất hiện nhiều loại ma túy mới

Theo Bộ Công an, qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, công an các địa phương đã phát hiện một số loại nghi là ma túy nên gửi giám định. 

Kết quả giám định tại Viện Khoa học hình sự và các phân viện khoa học hình sự tại TPHCM, Đà Nẵng đã phát hiện 2 chất ma túy mới có tên là N-Ethylpentylone trong các mẫu viên nén màu hồng và 5FR-MDMB-PICA trong mẫu thảo mộc khô cắt nhỏ.

N-Ethylpentylone là chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương mạnh tương tự chất Cathinone trong lá Khat, một chất ma túy cực độc, nằm trong danh mục I - các chất tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và trong đời sống xã hội (quy định tại Nghị định 73 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất). Còn 5FR-MDMB-PICA là chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp, có tác dụng kích thích và gây ảo giác. Nhiều nước trên thế giới đã có cảnh báo và đã đưa 2 chất trên vào danh mục quản lý. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cả 2 chất trên đều chưa được đưa quy định trong danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Đấu tranh với tội phạm ma túy tổng hợp và tiền chất (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) cho biết, ma túy tổng hợp được sản xuất ra từ các loại tiền chất. Mỗi loại tiền chất tương ứng lại có thể điều chế ra một chất ma túy tổng hợp mới. Tội phạm có thể tổng hợp một hoặc nhiều loại tiền chất khác nhau để cho ra các loại ma túy mới. Thậm chí, cũng các loại tiền chất đó nhưng pha trộn tỷ lệ khác nhau cũng cho ra các loại ma túy khác nhau. Do vậy, ma túy tổng hợp mới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát. Hiện nay, Bộ Công an đã có thông báo tới lực lượng phòng chống ma túy trên toàn quốc về sự xuất hiện của 2 chất ma túy mới này để chủ động có biện pháp đấu tranh và phòng ngừa. Đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng bổ sung 2 chất này vào danh mục các chất ma túy do Chính phủ quy định, không để các đối tượng lợi dụng sơ hở vào việc sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy.

Gần đây, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện loại ma túy cực độc có hình dáng giống hệt cây nấm (ảnh) với mùi hương pha trộn giữa mùi nấm hương và mùi thuốc lá. Loại nấm khá phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như: Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavia, vài vùng tại châu Á và mới du nhập vào Việt Nam.

 Đặc biệt, mỗi miếng nấm được dân chơi gọi bằng tiếng lóng là 1 “trip”, nghĩa là 1 chuyến đi. Đó có thể là một trải nghiệm lên thiên đường, xuống địa ngục, lên mặt trăng, xuống đáy biển theo tưởng tượng của người dùng ma túy nấm. Trong loại ma túy nấm này có  2 hoạt chất: Psilocine và Psilotcin chính là nguyên nhân gây ảo giác mạnh cho người dùng. Các hoạt chất này nằm trong danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73.


Trong giới trẻ, loại nấm này còn có những cái tên khác như nấm thức thần, nấm ảo giác, nấm ma thuật. Mỗi cây nấm được cắt ra làm 2-3 phần, chân nấm dài có thể được cắt nhiều phần hơn nữa và mỗi miếng nhỏ có giá khoảng 500.000 đồng. Theo một số chuyên gia y tế về điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất ma túy, trên thế giới vẫn chưa thể giải thích được cơ chế kỳ lạ mà các hoạt chất trong loại nấm ma thuật này gây ra cho người dùng. Đây là các chất cực độc sẽ khiến người sử dụng sớm bị suy kiệt sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục