Hiện nay TPHCM có gần 30 trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp (THCN) công lập và ngoài công lập. Những năm gần đây, các trường đã từng bước khẳng định được vị trí của mình qua việc đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực kỹ thuật, có tay nghề. Tuy vậy, chất lượng đào tạo tại các trường này vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Trong đó, phải kể đến cái gốc cơ bản là đội ngũ giáo viên (GV) vẫn còn quá mỏng, thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết GV luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải. Theo quy định, cứ 15 học sinh thì có 1 GV, trong khi đó hầu hết các trường công ở thành phố vẫn trong tình trạng 25 học sinh/GV, thậm chí các trường THCN ngoài công lập không có GV cơ hữu, mà chỉ có GV thỉnh giảng. Thiếu người nên GV thường bị quá tải, không còn thời gian học để nâng cao nghiệp vụ là chuyện thường ngày.
Để giải bài toán quá khó này, bước đầu TPHCM đã mạnh dạn áp dụng mô hình “xuất ngoại tầm... thầy” khi gửi 60 cán bộ, GV các trường THCN sang Singapore để tham gia lớp bồi dưỡng, học hỏi kinh nghiệm tại nước bạn. Đây là một trong những mục tiêu của dự án về chương trình hợp tác phát triển giáo dục chuyên nghiệp giữa Sở GD-ĐT TPHCM và Temasek Foundation-Singapore Polytechnic.
Ông Tan Hang Cheong, Hiệu trưởng Trường Singapore Polytechnic cho biết: “Trong suốt những năm qua chúng tôi luôn chú trọng vào việc đào tạo nghề phải bắt đầu từ người thầy. Nếu có người thầy tốt thì sẽ có những người thợ giỏi, đáp ứng được nhu cầu lao động của đất nước”.
Dự án thực hiện với các nội dung: bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và GV, hiện đại hóa phương pháp giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để “nâng cấp” liên tục các trường nghề.
Với sự hỗ trợ từ phía các trường của Singapore, lãnh đạo ngành GD-ĐT TPHCM tin tưởng rằng bắt đầu từ năm học này, cùng với việc thực thi dự án, thành phố sẽ ưu tiên tập trung để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và tiến tới hội nhập quốc tế, bắt đầu từ việc nâng chất cho người thầy.
Lê Linh