Ý nguyện của thường dân

Ngày 6-6, cuộc tranh luận toàn cầu lớn chưa từng có trên thế giới về biến đổi khí hậu đã diễn ra với hơn 100 cuộc tranh luận đã được tổ chức tại 79 quốc gia, từ Philippines đến sa mạc Arizona, Senegal, Trung Quốc, Madagascar, Brazil và Nhật Bản... Kết quả của các cuộc tranh luận kéo dài một ngày sẽ được trình lên các nhà đàm phán về biến đổi khí hậu họp tại Bonn (Đức) vào tuần tới, trước hội nghị thượng đỉnh của LHQ ở Paris (Pháp) vào cuối năm nay, nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ có tiếng nói cho một hiệp ước nhằm hạn chế việc toàn cầu đang nóng lên.

Ngày 6-6, cuộc tranh luận toàn cầu lớn chưa từng có trên thế giới về biến đổi khí hậu đã diễn ra với hơn 100 cuộc tranh luận đã được tổ chức tại 79 quốc gia, từ Philippines đến sa mạc Arizona, Senegal, Trung Quốc, Madagascar, Brazil và Nhật Bản... Kết quả của các cuộc tranh luận kéo dài một ngày sẽ được trình lên các nhà đàm phán về biến đổi khí hậu họp tại Bonn (Đức) vào tuần tới, trước hội nghị thượng đỉnh của LHQ ở Paris (Pháp) vào cuối năm nay, nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ có tiếng nói cho một hiệp ước nhằm hạn chế việc toàn cầu đang nóng lên.

Tại mỗi quốc gia, những người tham gia được hỏi rằng, họ có liên quan như thế nào đến biến đổi khí hậu, và ý kiến cá nhân về việc đàm phán khí hậu có nên tìm kiếm một thỏa thuận đầy tham vọng, hay thỏa thuận Paris cần ràng buộc về mặt pháp lý cho tất cả các quốc gia. Mỗi người tham gia được yêu cầu bỏ phiếu. Sôi nổi nhất là tranh luận diễn ra tại Philippines, quốc gia Đông Nam Á thường xuyên bị tổn thương từ tác động của biến đổi khí hậu, mỗi năm hứng chịu trung bình sự vùi dập của 20 cơn bão lớn nhỏ, mới nhất là cơn bão Hải Yến tàn khốc đã quét qua đất nước này năm 2013 và cướp đi sinh mạng của 7.350 người. Đối tượng tham gia các cuộc tranh luận này là những “thường dân” như nông dân, tài xế, nội trợ, người bán hàng rong...

Có mặt tại buổi tham luận, cô giáo Jocelyn Pedernal nói rằng cô tin rằng diễn đàn này là phương tiện để các cường quốc - những nước thải nhiều khí thải nhất - lắng nghe được tiếng nói của người nghèo và người bị tổn thương. Anh tài xế xe ba bánh Bartolome Pidar (35 tuổi), muốn nói với các nhà lãnh đạo các nước giàu về nỗi khổ của người nghèo - những người chịu những tác động trực tiếp của nóng và mưa, trong khi người giàu thì có nhà kiên cố với máy điều hòa...

Cuộc tranh luận lớn nhất nói trên do Ủy ban Tranh luận công cộng quốc gia Pháp, Công ty Tư vấn Missions Publiques của Pháp, Hiệp hội Quỹ công nghệ của Đan Mạch, cùng với các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và địa phương trên toàn thế giới đồng tổ chức. Tranh luận lần này có thành công hay không, những lời thỉnh cầu được gửi đến đâu đi nữa, vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác của các nước có lượng khí phát thải lớn. Tại Brazil, những người tham gia tranh luận kêu gọi “các vị tổng thống, hãy lắng nghe chúng tôi”, “cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang bỏ rơi các nước nghèo”... Trong một báo cáo mới đây, Viện Phát triển hải ngoại (ODI), một nhóm cố vấn về môi trường của Anh, cho biết 50% trong số gần 8 tỷ USD trong quỹ chống biến đổi khí hậu của LHQ đã được chi cho 10 nước đang phát triển kể từ năm 2003, song 10 nước dễ bị tổn thương nhất, trong đó có Somalia, quần đảo Solomon, Burundi, Niger và Eritrea chỉ nhận được 7% trong quỹ này.

Theo nhà tổ chức Yves Mathieu, mặc dù các cuộc tranh luận sẽ không thể làm thay đổi “bộ mặt” các cuộc đàm phán, nhưng ít nhất thì ước nguyện của người nghèo cũng sẽ được chuyển tới những người đưa ra quyết định để ngăn cản thảm họa của biến đổi khí hậu. Còn Christiana Figueres, Giám đốc điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu cho biết: “Tôi hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm thấy sáng kiến mà công dân toàn cầu đang quan tâm, đó sẽ là hy vọng và nguyện vọng cho thế giới của bản thân và con cái họ”. Chỉ mong sao con đường trước khi đạt được thỏa thuận quốc tế, có hiệu lực từ năm 2020, giới hạn nhiệt độ trái đất không tăng quá 20C sẽ không dài như nhà kinh tế Anh Nicholas Stern nhận định.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục