Vụ trẻ em tiêm ngừa vaccine bị biến chứng

Bộ Y tế: Quy trình nhập khẩu, bảo quản, sử dụng vaccine là tốt (?)

Trẻ bị sốc nặng do độc tố
Bộ Y tế: Quy trình nhập khẩu, bảo quản, sử dụng vaccine là tốt (?)

Vụ một số trẻ em ở TPHCM bị tử vong và bị biến chứng nặng do tiêm vaccine mấy ngày qua đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Dư luận đang đòi hỏi phải làm rõ quy trình nhập khẩu, vận chuyển, bảo quản vaccine hiện nay ra sao. Mới đây, phóng viên SGGP và một số báo khác đã đặt ra những vấn đề trên với ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép việc nhập khẩu vaccine và sinh phẩm y tế…

Bộ Y tế: Quy trình nhập khẩu, bảo quản, sử dụng vaccine là tốt (?) ảnh 1

Trẻ đang được tiêm ngừa vaccine.

- Phóng viên: Với vụ các cháu bé ở TPHCM bị sốc vaccine vừa qua, theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Ông Nguyễn Văn Bình:
Hiện nay chưa thể nói bất cứ điều gì về nguyên nhân của vụ việc này. Tất cả vẫn đang trong quá trình điều tra. Nếu do vaccine, thì theo tôi sẽ không tập trung ở một điểm nào đó, vì một lô vaccine nhập về được phân bổ cho rất nhiều nơi, nếu trục trặc sẽ trục trặc ở nhiễu chỗ khác nhau.

Cũng không loại trừ trường hợp trục trặc trong quá trình vận chuyển vaccine. Hiện nay, tất cả các mũi đều đang tập trung vào điều tra, kể cả việc cho kiểm tra lại toàn bộ những trường hợp đã tiêm lô vaccine này.

- Trong khi chờ kết luận chính thức về vụ này, người dân đang rất lo lắng đối với các vaccine khác. Bộ Y tế sẽ có động thái gì yêu cầu các nhà cung cấp vaccine cũng như các cơ sở y tế bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc tiêm vaccine phòng bệnh?

- Tất cả việc tiêm nói chung, tiêm vaccine nói riêng, đều có những quy định rất chặt chẽ, từ việc kiểm tra vaccine nhập vào Việt Nam, đến người sử dụng, điều kiện bảo quản vaccine. Hiện nay, do chưa biết nguyên nhân gây nên vụ việc này có phải do vaccine hay không, vì vậy, người dân nên yên tâm khi sử dụng các loại vaccine khác.

- Trở lại với vụ việc cụ thể ở TPHCM, tại sao lại có việc Công ty Sapharco nhập khẩu loại vaccine Priorix, là loại vaccine ngừa cùng lúc 3 bệnh (sởi-quai bị-Rubbella) duy nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay theo ủy thác của Công ty Zuellig Pharma, điều mà Bộ Y tế đã cấm?

- Chúng tôi đang cho kiểm tra lại thông tin này. Nếu có sai phạm sẽ xử lý.

- Theo quy định, vaccine vào Việt Nam phải được sử dụng ít nhất ở 3 nước và không hề được tiêm thử nghiệm trên con người Việt Nam. Nếu không phù hợp với người Việt Nam và gây biến chứng thì sao?

- Thông thường, Tổ chức Y tế thế giới có khuyến cáo về tính hiệu quả, độ an toàn của từng loại vaccine. Sau đó, khi vào Việt Nam, sẽ phải thông qua Hội đồng chuyên môn xem xét, đồng ý cho phép lưu hành ở Việt Nam. Thông lệ, WHO cũng dự báo bệnh tật ở các khu vực và khuyến cáo khu vực nào nên dùng các loại vaccine nào.

- Năng lực bảo quản các phương tiện vận chuyển vaccine ở Việt Nam hiện có bảo đảm yêu cầu?

- Công tác tiêm chủng mở rộng đã được thực hiện hơn 20 năm nay nên có thể nói các trang thiết bị được bảo đảm tốt. Từng xã đều có các điều kiện để bảo quản lạnh vaccine, và tất cả y tế tuyến huyện, các trung tâm y tế dự phòng trên toàn quốc đều có hệ thống bình lạnh để bảo quản vaccine. Việc đưa vaccine từ huyện xuống xã đều được thực hiện trong hòm lạnh và tiêm ngay trong ngày. Các trạm y tế ở tuyến xã đều có cán bộ đã được tập huấn về kỹ thuật tiêm phòng.

- Xin cảm ơn ông!

QUANG PHƯƠNG
 

Trẻ bị sốc nặng do độc tố

Ngày 12-5, đại diện Bộ Y tế gồm: Trung tâm Kiểm định quốc gia sinh phẩm y học, Viện Pasteur TPHCM, chuyên viên dịch tễ cùng lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, các bệnh viện và khối dự phòng thành phố tổ chức hội chẩn xác định nguyên nhân ban đầu vụ 6 trẻ nhập viện (1 trẻ tử vong) sau khi xảy ra biến chứng tiêm vaccine ngừa sởi - quai bị - rubella tại quận 5. Từ những triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cho thấy, sau khi tiêm vaccine, một số trẻ bị sốc nặng do độc tố. Tuy nhiên, để xác định cụ thể ra loại độc tố gì, vì sao xuất hiện loại độc tố này, phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu. Các thành viên đều thống nhất gởi mẫu vaccine (số vaccine cùng lô, chưa tiêm) đến labo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân tích. Song song đó, WHO cùng Viện Pasteur TPHCM và ngành y tế thành phố khẩn cấp tổ chức cuộc điều tra dịch tễ trên diện rộng.

Chiều ngày 12-5, cả hai cháu bị biến chứng nặng nhất là Nguyễn Minh Q. (13 tháng tuổi) và Hoặc Chí V. (17 tháng tuổi) vẫn còn phải thở máy. Sau khi được chạy máy lọc máu liên tục, sức khỏe có dấu hiệu chuyển biến khá hơn.

NG.TR.

Tin cùng chuyên mục