Tiêm ngừa vaccine

Những điều cần lưu ý

Những điều cần lưu ý

Sau sự cố xảy ra phản ứng sau khi tiêm vaccine ngừa bệnh sởi-quai bị-rubella tại quận 5 TPHCM, nhiều phụ huynh tỏ ra e ngại khi đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm. Một số phụ huynh tự giữ con ở nhà và truyền tai nhau rằng “Bộ Y tế chỉ đạo ngừng tiêm tất cả vaccine trên địa bàn cả nước” (?!) (thực tế chỉ tạm dừng tiêm vaccine Priorix phòng sởi-quai bị-rubella do GlaxoSmithKline sản xuất, số lô A69CA409A).

  • Trẻ vẫn được tiêm phòng miễn phí 10 bệnh

Những điều cần lưu ý ảnh 1

Ngoại trừ quận 5, các hoạt động tiêm chủng trên địa bàn TPHCM vẫn diễn ra bình thường.

Ngày 15-5, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TPHCM - bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cho biết, trong vài ngày qua, nhân viên tại một số trạm y tế gặp khó khăn trong việc mời phụ huynh đưa trẻ đi tiêm ngừa miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR QG).

BS Thọ khẳng định, tất cả các hoạt động tiêm ngừa vaccine trong chương trình TCMR QG và ngoài chương trình (tiêm dịch vụ tại cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và bệnh viện tư) đều diễn ra bình thường trên địa bàn thành phố.

Ngoại trừ, sau sự cố xảy ra phản ứng sau tiêm vaccine tại quận 5, Sở Y tế vừa chỉ đạo tạm ngưng tất cả hoạt động tiêm ngừa (cả trong chương trình và dịch vụ) trên địa bàn quận 5. Lý do tạm ngưng là để tránh tâm trạng lo lắng của phụ huynh, đồng thời giảm áp lực và ổn định tâm lý của nhân viên y tế tại quận 5. Dự kiến việc tạm hoãn sẽ kéo dài khoảng 1 tuần, sau đó Trung tâm YTDP TP sẽ phối họp với Đội YTDP quận 5 tổ chức tiêm ngừa lại cho người dân.

Trung tâm YTDP vừa chỉ đạo các Đội YTDP quận huyện và trạm y tế rà soát lại qui trình bảo quản vaccine và kỹ thuật tiêm, tuân thủ đúng theo qui trình và qui định của Bộ Y tế. Trẻ tiếp tục được tiêm ngừa miễn phí 10 bệnh trong chương trình TCMR QG: bạch hầu, sởi, ho gà, bại liệt, uốn ván, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, thương hàn và tả.

Song song đó, tại nhiều cơ sở y tế cũng có nhiều loại vaccine tiêm dịch vụ theo nhu cầu người dân như: viêm gan B, uốn ván, nhóm vaccine đa giá trị bạch hầu-uốn ván-ho gà-bại liệt, viêm não Nhật Bản B, quai bị, rubella, viêm não mô cầu, cúm, dại,…

  • Những phản ứng sau tiêm vaccine

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cho biết, tác dụng của vaccine là kích thích tình trạng miễn dịch bằng cách gây cho hệ thống miễn dịch của người được tiêm phản ứng lại với vaccine đó. Phản ứng tại chỗ như sốt và những triệu chứng toàn thân có thể là một phần đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích hợp.

Đối với vaccine ngừa sởi-quai bị-rubella, phản ứng tại chỗ (đau, sưng, đỏ) lên đến 10%, sốt trên 38oC khoảng 5%-15% và 5% phát ban. Trường hợp này có thể xử lý bù dịch, chườm lạnh chỗ tiêm, hạ sốt bằng paracetamol, lau mình bằng nước ấm.

Người được tiêm vaccine cần phải theo dõi diễn tiến sức khỏe, báo cho nhân viên y tế hoặc chuyển viện kịp thời khi có những triệu chứng bất thường. Đơn cử như sau 24 giờ tiêm chủng, có thể xảy ra các triệu chứng: sốc phản vệ, khóc thét dai dẳng (trên 3 giờ), giảm phản xạ, hội chứng sốc nhiễm độc; 5 ngày sau tiêm: phản ứng tại chỗ trầm trọng, nhiễm khuẩn huyết, áp xe tại chỗ tiêm, co giật-sốt co giật, hội chứng não (0-2 ngày đối với vaccine bạch hầu-ho gà-uốn ván); 15 ngày sau tiêm: co giật-sốt co giật (6-12 ngày với vaccine sởi), hội chứng não; 3 tháng sau tiêm: liệt mềm cấp tính (4-30 ngày do uống vaccine bại liệt), viêm dây thần kinh cánh tay (2-28 ngày với vaccine uốn ván), giảm tiểu cầu (15-35 ngày với vaccine sởi); 1-12 tháng sau tiêm vaccine phòng bệnh lao: viêm hạch bạch huyết, nhiễm khuẩn lan tỏa, viêm xương-viêm tủy xương.

Một số trường hợp sau, người được tiêm vaccine cần thông tin cho bác sĩ biết để có chỉ định tiêm bình thường hay không tiêm-tùy loại vaccine: có tiền sử co giật-động kinh, đang ốm, viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt cao, đang được điều trị các thuốc kháng sinh, nhiễm HIV-triệu chứng của AIDS, các bệnh mãn tính về tim-phổi-thận-gan, sắp phẫu thuật. Phản ứng sau tiêm chủng là tình trạng bệnh xảy ra sau khi tiêm chủng được nghĩ là do tiêm chủng gây ra. Các trường hợp này có thể do vaccine hoặc liên quan đến quá trình tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tập trung cao độ giải quyết vụ việc

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chiều qua, 15-5, với đề nghị của Bộ Y tế, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tới TPHCM để phối hợp với Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá, tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp giải quyết vụ việc tai biến do tiêm ngừa vaccine ở TPHM vừa qua. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung cao độ trong việc giải quyết vụ việc này.

Đến nay, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã hoàn tất việc lấy mẫu để kiểm định độc lập vaccine trong số lô thuốc đã gây tai biến. Dự kiến, phải khá lâu mới có được kết quả kiểm định vaccine chứ không thể trong 2-3 tuần như nỗ lực của ngành y tế.

Được biết, Văn phòng WHO tại Việt Nam cũng đã thông báo tình hình về vụ tai biến vaccine nghiêm trọng này cho Văn phòng WHO khu vực và đề nghị cử chuyên gia tới Việt Nam hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp. 

NGỌC TRƯỚC

Tin cùng chuyên mục