Dịch tiêu chảy cấp

Bắt đầu diễn biến phức tạp

Xuất hiện ca bệnh thứ phát
  • Xử lý mắm tôm như rác thải y tế nguy hiểm

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, theo báo cáo của các địa phương trong ngày 4-11 đã ghi nhận thêm 148 ca nghi nhiễm tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó địa phương mới nhất có người mắc là Nghệ An. Như vậy tính đến thời điểm này, cả nước đã có 11 tỉnh, TP có dịch với tổng số 603 ca (80 ca dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm). Đó là các tỉnh, TP: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An. Tại một số địa phương khác, tình hình dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp hơn. Nhiều ổ dịch mới xuất hiện với số ca mắc tăng cao như tỉnh Hà Tây với 64 ca, Hải Dương 8 ca, Hưng Yên 5 ca, Hà Nam 15 ca. Theo ông Nga, dịch bùng phát mạnh ở các địa phương là do ý thức của người dân và sự thiếu quyết liệt chủ động của địa phương trong chống dịch.

Trong số các địa phương có dịch, Hà Nội vẫn có số ca nhiễm cao nhất với hơn 300 trường hợp, tập trung tại 14/14 quận huyện và 1/2 số xã phường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong ngày, số trường hợp mắc mới nhập viện đã bắt đầu có dấu hiệu giảm dần so với những ngày trước khoảng 10%. Hà Nội cũng đã yêu cầu các bệnh viện ngoài công lập chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận bệnh nhân, đặc biệt đã phối hợp với lực lượng y tế của Cụm Cảng hàng không miền Bắc tổ chức giám sát những trường hợp nghi ngờ để tránh dịch lây lan ra nơi khác.

Xuất hiện ca bệnh thứ phát

Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bắt đầu có những biến đổi nguy hiểm hơn. Cụ thể, đã xuất hiện một số ca nhiễm thứ phát tại Hải Dương. Đây là người nhà sau tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhân dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm đã có biểu hiện nhiễm bệnh.

Ngoài ra, một biến đổi của dịch cũng rất đáng lo ngại là nguồn thực phẩm gây bệnh đã bắt đầu thay đổi. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng thì mắm tôm, cá sống, gỏi, tiết canh là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra trong ngày 4-11 tại ổ dịch ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương, những người bị nhiễm dịch ở đây ăn cỗ đám ma gồm cơm, giò chả, thịt bò, không hề có bất cứ mắm tôm, hay đồ hải sản sống nào, nhưng vẫn bị mắc bệnh.

Ng. Khánh

Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay số mắm tôm không rõ nguồn gốc được Hà Nội thu giữ đã lên tới trên hàng trăm ký. Để xử lý số mắm tôm này, Hà Nội sẽ vẫn chuyển tới khu xử lý rác Cầu Diễn để tiến hành tiêu hủy như chất thải y tế nguy hiểm. Trong khi đó, tại một số địa phương khác như Vĩnh Phúc, việc xử lý mắm tôm không rõ nguồn gốc lại được thực hiện bằng hình thức rắc vôi bột sau đó chôn lấp.

Đến ngày 4-11, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã có 286 bệnh nhân nghi ngờ tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó đã xác định được 151 ca dương tính, bệnh nhân nặng chiếm khoảng 20%. Viện đã phải kê thêm các giường cấp cứu và mua thêm 50 giường bạt để phục vụ bệnh nhân...

Ngày 4-11, đoàn kiểm tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành kiểm tra 5 khách sạn phục vụ việc ăn, nghỉ của các đoàn đại biểu Quốc hội đang dự họp Quốc hội. Theo kết quả kiểm tra, cả 5 khách sạn đều thực hiện khá nghiêm các quy định về ATVSTP và những khuyến cáo về phòng tránh dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tuy nhiên, tại khách sạn Khăn Quàng Đỏ, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số đại biểu của đoàn Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp vẫn sử dụng mắm cáy được sản xuất ở Ninh Bình cho dù đợt kiểm tra trước đó, Cục ATVSTP đã khuyến cáo không nên sử dụng mắm cáy trong thời điểm dịch hiện nay.

N. Kh. - Q.k. - Q. Lập

Tin cùng chuyên mục