Acid benzoic trong tương ớt nguy hại thế nào cho sức khỏe?

Liên quan tới việc cơ quan chức năng của Nhật Bản vừa thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su nhập từ Việt Nam vì chứa chất acid benzoic, ngày 7-4, PGS-TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên) cho biết, acid benzoic là chất được sử dụng để chống nấm mốc trong thực phẩm và được phép sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. 
Acid benzoic trong tương ớt nguy hại thế nào cho sức khỏe?

Hiện nay, do chưa tìm được chất nào thay thế nên nhiều nước vẫn dùng acid benzoic trong thực phẩm. 

Còn theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm của Liên hiệp quốc (Codex) cho phép sử dụng acid benzoic để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1%. Mặc dù một số nước, trong đó có Việt Nam cho phép sử dụng acid benzoic trong thực phẩm, nhưng Nhật Bản lại không cho phép sử dụng trong thực phẩm. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cho phép sử dụng acid benzoic với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1g/1 lít, 1g/1 kg. 

Liều lượng acid benzoic gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều acid benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với acid benzoic để giải độc. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết, nhiều người quan tâm hàm lượng, nồng độ của chất phụ gia này mà chưa chú ý tới lượng ăn vào. Ví dụ, ở ngưỡng 0,1% acid benzoic có trong thực phẩm là an toàn, nhưng chúng sẽ không còn an toàn nếu lượng ăn vào quá nhiều, vượt hàm lượng cho phép.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm, trên thế giới hiện có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, một số nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu có những đánh giá riêng, bên cạnh quy định của Codex thì khi xây dựng tiêu chuẩn, các nước này đánh giá trên tổng quan lượng tiêu thụ thực phẩm của người dân nước đó.

Trước đó, trên trang www.city.osaka.lg.jp cho biết, chính quyền TP Osaka, Nhật Bản xác nhận công ty vi phạm là Công ty Javis (có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka) và Giám đốc đại diện là Yasuhiro Naka do đã nhập khẩu lô hàng có chứa chất cấm theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Về phía hàng hóa vi phạm, trang thông tin TP Osaka ghi rõ: “Tên sản phẩm: tương ớt Chin-su, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10-6-2019, 17-6-2019, 6-7-2019”. Tương ớt Chin-su vi phạm khoản 2, điều 11, Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản do acid benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản. Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng acid benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10-6-2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17-6-2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6-7-2019. Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán từ tháng 10 đến tháng 12-2018. 

Tin cùng chuyên mục