Chiếc lu tham gia chống ngập, được không?

Ý kiến trang bị chiếc lu ở các hộ gia đình để góp phần chống ngập được PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TPHCM, đề xuất tại phiên họp HĐND TPHCM vào chiều 12-7 ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận, nhất là trên các mạng xã hội. Chiều 13-7, PV Báo SGGP đã có buổi trao đổi với PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân xung quanh đề xuất này.

PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân
PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân

Xuất phát từ đâu mà bà đưa ra đề xuất này, thưa bà?

PGS-TS PHAN THỊ HỒNG XUÂN: Tôi đang sống ở một trong những nơi bị ngập nhiều tại TPHCM. Mấy năm vừa qua, gia đình tôi đã phải 2 lần nâng nền nhà nhưng vào những đợt mưa to, nước vẫn tràn vào nhà gần một gang tay. Bà con khu phố cũng chịu cảnh tương tự, vừa tát nước ra ngoài sân vừa múc nước tạm vào tất cả các xô, thùng có sẵn trong nhà.

Ngoài ra, tôi còn là thành viên trong đoàn giám sát của HĐND TPHCM giám sát về tiến độ và hiệu quả của các chương trình chống ngập ở TPHCM, nên càng thấu hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân khi bị ngập.

TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, nhưng dường như giảm ngập nơi này lại tái ngập nơi khác... Trước giờ, nhiều người nghĩ rằng việc chống ngập là làm sao đẩy nước đi nơi khác cho hết ngập, nhưng lại quên rằng nước cũng là nguồn tài nguyên quan trọng, trong đó có nước mưa - bị xem là một trong những nguyên nhân gây ngập trong bối cảnh đô thị TPHCM bị bê tông hóa.

Xuất phát từ những bức xúc, trăn trở, khó khăn của người dân ở vùng bị ngập, từ văn hóa bản địa nông thôn ở nước ta và qua kinh nghiệm của một số thành phố ở châu Á, tại phiên họp HĐND TPHCM chiều 12-7 vừa qua, tôi đã đề xuất lãnh đạo thành phố có thể tham khảo xem xét triển khai ý tưởng này thành một giải pháp bên cạnh những giải pháp công trình và phi công trình đã được đề xuất.

Bà có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?

Sau phát biểu đề xuất, tôi nhận được nhiều cuộc gọi của người quen hỏi về giải pháp “chống ngập bằng lu” như một số bài báo đề cập. Có lẽ cần chia sẻ rõ hơn về chuyện này.

Chúng ta có thể hình dung là khi trời mưa to, để giảm một lượng nước mưa rất lớn đổ vào hệ thống thoát nước, có thể xây dựng những hồ chứa nước tạm thời, nhưng trong bối cảnh, điều kiện của thành phố chúng ta hiện nay, thì vấn đề là xây ở đâu? diện tích bao nhiêu? và còn nhiều vấn đề khác mà chính quyền thành phố đang cân nhắc, triển khai thực hiện. TPHCM với hàng triệu hộ gia đình, nếu mỗi hộ có các thiết bị chứa nước mưa (ví dụ mỗi hộ có thể chứa được 1m³ nước mưa) thì đã giảm được hàng triệu mét khối nước cùng lúc đổ vào hệ thống thoát nước, đồng thời lượng nước này có thể được sử dụng như nguồn dự trữ, sẽ được dùng lại cho việc tưới cây, rửa sân, giặt giũ, lau sàn nhà... Nếu lúc phát biểu tại phiên họp HĐND TP tôi nói rõ hơn là thiết bị chứa nước mưa, thay vì chỉ nói gọn là cái lu, thì có lẽ sẽ không gặp phải nhiều ý kiến phản ứng về đề xuất này như vậy.

Nhưng có nhiều ý kiến e rằng đề xuất này khó khả thi. Bà nhìn nhận thế nào?

Chắc chắn rằng ý tưởng này phải được các nhà khoa học, quản lý và chính quyền cùng người dân đánh giá và cân nhắc khi triển khai. Trong đó quan trọng nhất là ý kiến của người dân, tất cả đều phải lắng nghe nghiêm túc ý kiến từ người dân.

Từ ý tưởng đến thực tiễn là một quá trình. Chưa có thực nghiệm thì mọi thứ vẫn chỉ là giả thuyết. Tôi nghĩ rằng những ý kiến e ngại giải pháp này khó khả thi đã cho thấy sự trăn trở với tình hình ngập nước hiện nay của thành phố. Tôi trân trọng những ý kiến góp ý từ tâm, đồng thuận lẫn trái chiều, mang tính xây dựng của tất cả mọi người.

Cũng có ý kiến tính toán rằng chi phí cho việc trang bị lu (hay thùng, bể chứa) cùng các chi phí cho hệ thống che hứng, chỗ đặt lu, thùng… sẽ gây tốn nhiều kinh phí hơn lợi ích đem lại. Bà có thử tính toán kinh phí cho việc triển khai giải pháp này?

Giải pháp chống ngập nào cũng đang rất cần nhiều kinh phí từ ngân sách nhà nước. Nếu thử làm phép tính, chi phí của ngân sách nhà nước để trang bị thiết bị chứa nước mưa cho hàng triệu gia đình sẽ là rất lớn. Vì vậy, ý kiến của tôi gửi gắm mong muốn sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân trong việc tự trang bị thiết bị chứa nước phù hợp với từng hoàn cảnh, từng gia đình cụ thể trong một nỗ lực chính quyền cùng người dân chống ngập cũng là dự trữ nguồn nước. Việc này hoàn toàn tự nguyện. Đôi khi chúng ta quá bức xúc về tình trạng ngập nước mà đã quên đi một hành động nào đó trong sinh hoạt hàng ngày của bản thân để cùng chung sức chung lòng cải thiện môi trường sống tốt hơn.

Nếu đề xuất được chính quyền đồng ý triển khai thực hiện thì những việc cần xem xét, cân nhắc tiếp theo là gì, thưa bà?

Vâng, có nhiều mối lo nếu ý tưởng này được chính quyền thành phố đồng ý như một trong những giải pháp góp phần thực hiện công tác chống ngập. Cụ thể như: tiến hành khảo sát nơi và vị trí hợp lý để lắp đặt thiết bị chứa nước mưa (đối với nhà trệt, nhà chung cư...); vận động người dân tự trang bị hay nhà nước sẽ sử dụng một phần nguồn ngân sách? Nghiên cứu mẫu mã thiết bị chứa nước mưa như thế nào? Tính thẩm mỹ của đô thị ra sao nếu dụng cụ chứa nước mưa không đồng bộ do người dân tự trang bị?... Đây là những việc phải cân nhắc thật kỹ và rất cần sự quyết tâm, sự đồng thuận của cộng đồng.

Xin cảm ơn bà! 

Tin cùng chuyên mục