Đấu tranh quan điểm sai trái trên mạng xã hội

Mạng Internet và các trang mạng xã hội (viết tắt MXH) đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Thực tế, trong thời gian qua, các thế lực phản động cùng những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất trong nước đã sử dụng MXH đăng tải không ít thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc...
Từ đó gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận, nhất là đối với một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - những người thường xuyên tiếp cận phương tiện này.
Mục đích cuối cùng là làm cho cán bộ, đảng viên và người dân mơ hồ, dao động; từng bước tác động làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ. 
Tại quận Tân Phú (TPHCM), với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phương án tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc trên MXH đã được triển khai thực hiện bước đầu phát huy hiệu quả.
Đấu tranh quan điểm sai trái trên mạng xã hội ảnh 1 Người dân quan tâm theo dõi các bài viết trên fanpage “Tuyên giáo Tân Phú”
 Tuyên truyền đa dạng
“Từ năm 2012, chúng tôi đã suy nghĩ đến việc sử dụng MXH Facebook để đấu tranh, phản bác với các quan điểm sai trái trên MXH, đặc biệt cao điểm là thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014 và sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vào năm 2016. Các thế lực phản động ở nước ngoài cấu kết với một số đối tượng cực đoan, chống đối trong nước lợi dụng dịp này để sử dụng Facebook kêu gọi tuần hành đông người, tụ tập gây rối, đập phá tài sản của doanh nghiệp; kích động, lôi kéo người dân thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, chống đối Đảng, Nhà nước, phá hoại an ninh kinh tế, chính trị của đất nước. Từ đòi hỏi của tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng đặt ra, Ban Tuyên giáo Quận ủy tham mưu cho Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của quận ban hành phương án tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc trên mạng xã hội trên địa bàn quận Tân Phú”, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận Tân Phú Võ Văn Thành chia sẻ.
Thực hiện phương án này, quận Tân Phú nâng cấp, củng cố các trang, nhóm công khai trên MXH với tên gọi gợi được sự chú ý của cư dân mạng, phản ánh tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, giá trị chân - thiện - mỹ.
Trên trang fanpage “Tuyên giáo Tân Phú” cũng như những trang mang tên các tổ chức thuộc hệ thống chính trị (như tuyên giáo phường, đoàn phường, hội phụ nữ phường...) và nhiều trang cá nhân trên Facebook của đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn quận thường xuyên đăng tải, chia sẻ bài viết tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thông tin từ các trang thông tin điện tử, các báo chính thống về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các bài viết, bài nói của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; bài viết về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, gương sáng, người tốt việc tốt..., nhằm tạo sự đồng thuận hưởng ứng của cộng đồng với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những bài viết được đăng tải đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng “sức đề kháng” để cư dân mạng chống lại tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc trên MXH.
Đấu tranh toàn diện
Bên cạnh tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thành quả phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực, thì hình thức đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái trên MXH cũng được tổ chức thực hiện đa dạng, phong phú.
Theo đồng chí Võ Văn Thành, việc đấu tranh phản bác tiến hành theo phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; vừa tập trung chia sẻ những thông tin có lợi cho Đảng, cho Nhà nước, vừa phân tích, tìm ra điểm sai trái, phi lô gích, lập lờ của các bài viết, thông tin xuyên tạc.
Khi có các thông tin cần đấu tranh trên MXH, lực lượng tham gia đấu tranh sẽ trực tiếp đăng bài, chia sẻ, tham gia bình luận phản bác vào các trang Facebook, Zalo... có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ.
Những bài viết sử dụng cho việc đấu tranh đều ngắn gọn, rút tít hay, có sức ảnh hưởng lớn, dẫn dắt vấn đề, phù hợp với từng trình độ cần phản bác, dẫn chứng một cách khoa học và chân thật, ngôn từ có văn hóa, lý luận sắc bén đánh đúng điểm yếu của những luận điệu vu khống, bịa đặt.
Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet là “cuộc chiến” không khói súng, tính chất rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp.
Tại quận Tân Phú, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Quận ủy, giữa Công an quận, Ban chỉ huy Quân sự quận, Mặt trận Tổ quốc, các cơ sở Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ, liên kết, thống nhất; từ đó đưa công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên MXH đi vào nề nếp, thường xuyên.
Hiệu quả tuyên truyền và đấu tranh phản bác ngày càng lan tỏa đã góp phần ổn định tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và tình hình an ninh chính trị trên địa bàn quận.
Trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, thông tin đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi cá nhân, tổ chức. Thông tin được khai thác trên mạng Internet có nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chiều, dễ dẫn đến người đọc chịu sự tác động của thông tin bịa đặt, xuyên tạc.
Trên mặt trận tư tưởng mới, Ban Thường vụ Quận ủy quận Tân Phú xác định đây là nhiệm vụ tất yếu và cấp bách, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, không để các thế lực thù địch lợi dụng thông tin tiêu cực dẫn dắt người dân; qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng, giữ vững hòa bình, ổn định trong nước và đảm bảo sự ổn định tư tưởng chính trị ở địa phương.
Quy trình thực hiện đấu tranh quan điểm sai trái trên MXH tại quận Tân Phú
* Giai đoạn đầu: 1/ Báo cáo xin ý kiến thống nhất của Thường trực Quận ủy. Xác định trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Quận ủy; 2/ Tổ chức lực lượng; 3/ Quán triệt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ; 4/ Xây dựng nội dung tuyên truyền, phản bác; 5/ Tập huấn; 6/ Thực hành, tác chiến; 7/ Hội nghị chuyên đề, rút kinh nghiệm.
* Giai đoạn hai: 1/ Hệ thống lại quá trình thực hiện, xây dựng phương án; 2/ Tổ chức quán triệt, tập huấn phương án; 3/ Thực hiện; 4/ Kiểm tra; 5/ Rút kinh nghiệm, bổ sung nội dung.

Tin cùng chuyên mục