Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng - Khó vì vướng quy định

Những năm qua, TPHCM đã tiên phong kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo mô hình “hợp tác công tư” truyền thống (BOT, BOO, BT…). Tuy nhiên, việc thu hút vốn để đầu tư phát triển hạ tầng lại gặp không ít khó khăn do vướng các quy định của pháp luật.
Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng - Khó vì vướng quy định

Những năm qua, TPHCM đã tiên phong kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo mô hình “hợp tác công tư” truyền thống (BOT, BOO, BT…). Tuy nhiên, việc thu hút vốn để đầu tư phát triển hạ tầng lại gặp không ít khó khăn do vướng các quy định của pháp luật.

        Khó thu hút đầu tư

Dù được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND TPHCM lựa chọn nhà đầu tư và hình thức đầu tư nhưng đến nay đã hơn 3 năm, dự án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên, quận 8 vẫn chưa triển khai do các bên chưa thể thống nhất được hình thức đầu tư. Cụ thể, với dự án này, lúc đầu UBND TPHCM kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) trả bằng quỹ đất. Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư khảo sát khai thác quỹ đất, chỉnh trang đô thị thì lãi thu được khoảng 400 tỷ đồng, trong khi đó dự án đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Do không hiệu quả nên nhà đầu tư không dám ký hợp đồng đầu tư. Mới đây, UBND TP đã phải điều chỉnh hình thức đầu tư theo hình thức BT bằng việc hoàn vốn ngân sách cho nhà đầu tư trong thời hạn 7 - 10 năm, thay vì hoàn vốn bằng quỹ đất. Tương tự, dự án xây dựng cao ốc văn phòng tại 152 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh… với mục tiêu góp phần đáp ứng nhu cầu về cao ốc văn phòng và bãi đậu xe cho TP do Công ty cổ phần hạ tầng kỹ thuật TPHCM làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.291 tỷ đồng. Hiện nay, nhà đầu tư đã thực hiện thi công ép cọc thử nhưng có một số khó khăn làm khả năng thu hồi vốn bị ảnh hưởng; việc huy động vốn bị ảnh hưởng theo nên nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh hợp đồng BOT của dự án.

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài được xây dựng theo hình thức BT.

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài được xây dựng theo hình thức BT.

Theo ông Lâm Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, hiện nay việc thu hút đầu tư theo các hình thức hợp tác công tư truyền thống vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trước hết, khung pháp lý cho các hình thức đầu tư BOO, BOT, BTO, BT, BTO, PPP chưa được hoàn thiện. Cụ thể, sự thay đổi liên tục về các quy định pháp luật có liên quan trong cùng một khoảng thời gian trong khi các hướng dẫn thực hiện được ban hành quá chậm, ảnh hưởng không nhỏ và gây ít nhiều lúng túng trong việc thực hiện dự án cho cả phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cả nhà đầu tư. Không có quy định hay hướng dẫn mang tính pháp lý về hình thức hợp đồng BOO. Căn cứ pháp lý cho hình thức đầu tư theo mô hình PPP chỉ ở mức độ thí điểm, chưa đạt tính pháp lý cao nhất (Quyết định 71), không thể chi phối các văn bản pháp quy liên quan đến cơ chế chính sách về thuế, đất đai, tín dụng…

Ngoài ra, Thông tư 166 của Bộ Tài chính còn nhiều nội dung làm nhà đầu tư gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Cụ thể, thông tư không quy định mức lãi bảo toàn vốn cho phần vốn chủ sở hữu mà chỉ cho phép tính lãi đối với phần vốn huy động. Đây là trở ngại rất lớn vì nhà đầu tư phải bỏ ra một số vốn chủ sở hữu khá lớn trong thời gian khá dài (từ 3 - 5 năm xây dựng) nếu không đảm bảo tỷ lệ bảo toàn vốn tối thiểu thì sẽ rất khó thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, về nguồn vốn đầu tư, theo quy định, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp (DN) phải tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của DN thực hiện dự án không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Để đầu tư dự án, DN phải đi vay gần 85% tổng vốn đầu tư trong thời gian vay vốn là 10 năm. Trong khi đó, thời gian hoàn vốn các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật thường lớn hơn 10 năm, thậm chí hơn 20 năm. Do vậy, nhiều dự án đầu tư có phương án tài chính không hiệu quả.

        Sớm ban hành nghị định đầu tư đối tác công tư

Mặt khác, việc kêu gọi đầu tư thực hiện theo hình thức BT trả bằng đất gặp khá nhiều khó khăn do TP không có quỹ đất sạch dự trữ. Ngay cả trong trường hợp thu xếp được quỹ đất “sạch” để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng công trình BT, TP cũng không thể giao cho nhà đầu tư mà phải tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất căn cứ theo quy định của Thông tư 03/2011/TT-BKHĐT của Bộ KH-ĐT. Ngoài ra, trong bối cảnh suy thoái và thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay, các nhà đầu tư BT cũng không còn bị hấp dẫn bởi phương thức thanh toán hợp đồng BT bằng giao đất để khai thác hoàn vốn như trước.

Theo Sở KH-ĐT TPHCM, để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ sớm ban hành nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, cần cụ thể hóa cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư thông qua chính sách bảo lãnh của Chính phủ, bảo đảm doanh thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ, sử dụng nguồn vốn nhà nước để tham gia hoặc hỗ trợ thực hiện dự án… Ban hành nhiều cơ chế chính sách khai thác xây dựng và khai thác quỹ đất dọc 2 bên công trình hoặc ở khu vực liền kề dự án để tạo được nguồn thu từ giá trị gia tăng của công trình nhằm hỗ trợ tăng tính khả thi về hiệu quả tài chính cho dự án. Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích đầu tư theo hình thức BT hoàn trả bằng các hình thức khác nhau có thể không liên quan đến công trình dự án do nhà đầu tư thực hiện. Đối với TP cần ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất cho nhà đầu tư trong quá trình bồi thường và giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện dự án BOT, BTO, BT, PPP. Cần thực hiện việc đấu thầu bán trước quyền khai thác của một số công trình, hạng mục cụ thể có tiềm năng để huy động vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật…

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục