Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai: Tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên năng suất

Ngày 11-1, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Buổi chiều, diễn ra đối thoại chính sách với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam - Những thách thức và động lực mới”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN
 Tham dự sự kiện có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cùng đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phấn đấu trở thành con hổ mới châu Á

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, dù năm 2017 đạt được nhiều thành tích nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức trung, dài hạn. Thủ tướng cũng cho biết, khi phát biểu trong cuộc họp giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đã yêu cầu tăng trưởng kinh tế phải trên mức Quốc hội thông qua, chất lượng tăng trưởng phải nâng lên, năng suất cao hơn, có chuyển biến mạnh mẽ sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp…
Cũng theo Thủ tướng, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đang trở thành nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ sâu rộng với kinh tế toàn cầu và là điểm đến đầu tư hấp dẫn khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh là không được chủ quan, thỏa mãn kết quả đạt được, không để cỗ máy phát triển dừng lại. Việt Nam kiên trì tăng trưởng dựa trên năng suất, đổi mới sáng tạo, loại bỏ lợi thế cạnh tranh cũ như: tài nguyên, lao động giá rẻ… Tăng trưởng nhanh, bền vững liệu có mâu thuẫn với nhau? Thủ tướng nói và đặt câu hỏi: Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm gì để đạt được 2 mục tiêu tưởng mâu thuẫn này? Hàm ý tăng trưởng bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng và phát triển là marathon đường trường chứ không phải chạy đua nước rút. Thủ tướng kêu gọi cùng nhau nỗ lực vì thịnh vượng quốc gia, tận dụng cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức để phấn đấu trở thành con hổ mới của châu Á.

Khi được hỏi đâu là điều tâm đắc nhất trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đó là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã tăng 5 bậc, môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc.
Đề cập thêm về thành tựu năm 2017, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các thành tựu kinh tế thông qua các chỉ số vĩ mô đạt được, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu xã hội khác như: tỷ lệ đói nghèo giảm, huyện nghèo giảm đúng với tinh thần không để ai rớt lại phía sau tăng trưởng; các khu cụm công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường theo đúng chỉ tiêu Quốc hội; tỷ lệ bao phủ rừng và trồng rừng mới được nhấn mạnh… 

Dựa trên yếu tố năng suất

Chia sẻ về khả năng chống chịu của Việt Nam trước cú sốc bên ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải nâng cao khả năng của nền kinh tế. Đó là nâng cao năng suất lao động nhất là năng suất các yếu tố tổng hợp mà đi liền với đó là áp dụng khoa học - công nghệ. Cùng với đó là tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh; có nền giáo dục quốc gia đổi mới…

Trước câu hỏi về định hướng tại đề án tăng trưởng nhanh và bền vững mà Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì soạn thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, sau 30 năm đổi mới, nhất là 15 năm qua, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng. Để tăng trưởng nhanh và bền vững thì có nhiều nội dung nhưng then chốt là nâng cao năng suất lao động. Chủ trương, giải pháp của Đảng thời gian tới sẽ tập trung giải quyết vấn đề này. “Quốc gia có phát triển bền vững hay không là do năng suất và phải có trình độ khoa học, giáo dục tương thích”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nói.

Theo GS-TS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, với Việt Nam, để công nghiệp hóa thì mũi đột phá là năng suất. Đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất. Do đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể, làm cho năng suất lao động tăng nhanh.  

Chia sẻ về vấn đề Việt Nam nên đặt ưu tiên gì trong phát triển sắp tới để tăng trưởng bền vững, cao, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng cần ưu tiên 4 điểm. Thứ nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vì đây là yếu tố “cực kỳ quan trọng”. Thứ hai là cải cách thể chế vì đây là cơ hội tốt, yếu tố nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công, cùng với đó là đảm bảo để chính sách được thực thi. Thứ ba là tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng. Thứ tư là đầu tư nguồn nhân lực và điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng ý với quan điểm của đại diện WB về việc muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đi cùng với đó phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia. Quốc hội Việt Nam đã thông qua các dự án luật quan trọng làm nền tảng khuôn khổ pháp lý để xây dựng nền tài chính công lành mạnh gồm: Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Và lần đầu tiên Quốc hội thông qua 2 nghị quyết quan trọng về tài chính công 5 năm và đầu tư công trung hạn 5 năm. Chính điều này đã nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, đầu tư công. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các dòng thuế suất cắt giảm sâu khi hội nhập, Việt Nam đã hướng đến việc tăng cường thu nội địa với mục tiêu nâng lên 85% trong tổng thu ngân sách sắp tới, đồng thời đánh thuế cao với tài nguyên không tái tạo, thuế bảo vệ môi trường, giảm chi tiêu thường xuyên để nâng đầu tư phát triển… “Hy vọng kinh tế Việt Nam tăng nhanh, bền vững 30 năm tới và nếu cứ tăng trưởng kinh tế trên 6% thì Việt Nam sẽ có thay đổi hết sức căn bản”, ông Hiển nói.

Tin cùng chuyên mục