Du học hè: Vẫn mù mờ chất lượng

Tận dụng kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình có điều kiện sẵn lòng rút “hầu bao” để con cái có những chuyến du học ngắn ngày kết hợp học tiếng Anh, giao lưu văn hóa và rèn kỹ năng sống.
Dù có nguồn cung hết sức dồi dào nhưng thị trường này đang bị bỏ ngỏ công tác quản lý. Thực tế này đặt ra yêu cầu người học phải tỉnh táo, biết cách sàng lọc thông tin và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.     

Có tiền là du học
Ngay từ khi năm học 2017-2018 chưa kết thúc, anh Huy Hoàng, một phụ huynh có con trai đang học lớp 8, đã tìm hiểu khóa du học hè Đài Loan cho con tại một cơ sở du học có trụ sở đặt tại quận 3, TPHCM. Sau khi trao đổi với nhân viên tư vấn, anh Hoàng cho biết: “Đơn vị tổ chức chỉ yêu cầu học sinh từ 10 tuổi trở lên, không quan tâm trình độ ngoại ngữ và một số kỹ năng khác. Khóa học kéo dài 2 tuần, học phí gần 200USD/buổi nhưng chương trình khá mơ hồ, tôi không biết con mình sẽ được học gì và học như thế nào”. Tương tự, tại Trung tâm Tư vấn du học Visco (quận 1), khóa du học hè Singapore (khai giảng vào đầu tháng 6-2018) không đặt ra bất cứ yêu cầu nào về trình độ tiếng Anh của học viên tham dự.
Du học hè: Vẫn mù mờ chất lượng ảnh 1 Tư vấn chương trình du học hè cho các thanh thiếu niên từ 7 tuổi trở lên               Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giới thiệu về chương trình học, nhân viên tư vấn tại đây cho biết: “Học viên sẽ được học các chuyên đề tiếng Anh vào các buổi chiều; buổi sáng và buổi tối các em được tham gia những hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa và con người bản xứ”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi lớp sẽ được tổ chức thế nào khi trình độ tiếng Anh của các học viên không đồng đều, đại diện trung tâm cho biết: Tiếng Anh chỉ là một trong những mục tiêu đặt ra của khóa học, nếu chưa giao tiếp tốt, học viên vẫn được rèn luyện về kỹ năng sống và bổ sung kiến thức.   
Gõ từ khóa “du học hè năm 2018” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra gần 2,5 triệu kết quả. Trong đó, hầu hết chương trình đều có mời chào hết sức hấp dẫn. Đáng nói là tất cả chương trình đều nhận học viên ở mọi trình độ, không phân biệt điều kiện sức khỏe, độ tuổi và sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng, miền. Đặc biệt với các khóa du học hè dành cho trẻ từ 6-10 tuổi, nhiều đơn vị tổ chức không bố trí thêm bảo mẫu - người được yêu cầu có kiến thức tốt về dinh dưỡng và y tế, phối hợp cùng hướng dẫn viên chăm lo các vấn đề “hậu cần” như sức khỏe, điều kiện ăn, ngủ cho học viên. Một số khóa học chỉ là sự “ghép nối cơ học” giữa công ty tư vấn du học và các hãng du lịch nên thiếu người hướng dẫn có phương pháp sư phạm, không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ du học.  
Cần thận trọng
Trao đổi với chúng tôi, cố vấn cấp cao về giáo dục - tâm lý tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á (ATY) Nguyễn Thành Nhân cho biết: “Tôi từng nghe một số bạn nhỏ đã tham gia các khóa du học hè kể lại một nửa thời gian sinh hoạt các em được học tiếng Anh nhưng do trình độ không đồng đều nên mỗi em tiếp thu mỗi kiểu. Buổi còn lại các em được tự do đi tham quan trung tâm thương mại, siêu thị, khu trò chơi nhưng không có người hướng dẫn đi kèm nên rất phí thời gian”. Chuyên gia này khẳng định, việc học tập và trải nghiệm, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng cho người học, cần được định hướng một cách rõ ràng. Trong đó, cần xác định rõ bất kỳ kỹ năng xã hội nào cũng cần từ 1 - 3 tháng để người học tiếp xúc và làm quen. Sau đó, để thói quen này trở thành một kỹ năng phản xạ không điều kiện, cần được lặp đi lặp lại nhiều lần chứ không phải thực hành một số lần rồi thôi.
Đồng quan điểm, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), khuyến nghị phụ huynh nên tìm hiểu kỹ từng chương trình, phương pháp giảng dạy của giáo viên trước khi quyết định gửi con đi du học, không nên giao phó hết cho các công ty tư vấn hoặc trung tâm tổ chức.  
Ngoài ra, khoảng 2 năm trở lại đây, tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội nở rộ hình thức du học hè kết hợp thực tập và làm việc. Tuy nhiên, theo một chuyên gia nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực du học, vì chạy theo mục đích lợi nhuận nên nhiều công ty tư vấn chỉ quan tâm làm sao “xuất khẩu” được càng nhiều học viên ra nước ngoài du học càng tốt, mà bỏ qua yêu cầu trang bị kiến thức mềm (như kỹ năng giao tiếp, văn hóa đất nước sẽ đặt chân đến) cho người học. Kết quả, đã có nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam qua nước ngoài làm việc kiếm tiền sai mục đích, bị nước sở tại yêu cầu trục xuất, thậm chí cấm nhập cảnh.

Tin cùng chuyên mục