Bữa ăn bán trú - Cầm cự thời bão giá

Sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian giá cả hàng loạt mặt hàng thực phẩm tăng cao. Đó là chưa kể một số biến động “phi mã” của thị trường gần đây như giá gas, sữa, dầu ăn… Trước thực trạng đó, làm sao để vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh vừa không tăng tiền ăn bán trú, đang là bài toán khó đặt ra cho các trường tổ chức bữa ăn bán trú.
Bữa ăn bán trú - Cầm cự thời bão giá

Sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian giá cả hàng loạt mặt hàng thực phẩm tăng cao. Đó là chưa kể một số biến động “phi mã” của thị trường gần đây như giá gas, sữa, dầu ăn… Trước thực trạng đó, làm sao để vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh vừa không tăng tiền ăn bán trú, đang là bài toán khó đặt ra cho các trường tổ chức bữa ăn bán trú.

  • Tăng khổ, không tăng lỗ!

Ngay những ngày đầu tiên đi học lại sau Tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non 30/4 (quận 1) đã nhận được thông báo tiền ăn cho bé kể từ đầu tháng 2-2012 sẽ tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng/ngày. Gộp chung cả tiền ăn sáng 10.000 đồng/ngày/bé, bình quân mỗi tháng phụ huynh phải đóng hơn một triệu đồng tiền ăn bán trú, số tiền không nhỏ so với mức lương công chức nhà nước.

Tuy nhiên, thông báo ra chưa được bao lâu, ngay lập tức đã bị Phòng GD-ĐT quận 1 tuýt còi. Mức ăn mới bị bãi bỏ, thay vào đó, nhà trường vẫn giữ nguyên tiền ăn cũ 25.000 đồng/ngày. Chưa kịp vui mừng vì tiền ăn không thay đổi, chị Thanh Thảo, một phụ huynh có con đang học tại đây lại đang đối diện với một lo lắng mới: “Mức ăn mới 30.000 đồng/ngày được nhà trường thiết lập dựa trên cơ sở tính toán chi tiết giá cả từng loại mặt hàng thịt, cá, trứng, sữa… Nay tiền ăn không tăng nữa, chất lượng bữa ăn của các cháu liệu có bị ảnh hưởng?”.

Mang thắc mắc này đến hỏi cô Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường vào sáng 21-2, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời ngắn gọn: “Nhà trường đã làm theo đúng chỉ đạo, những vấn đề khác tôi không đề cập đến”.

Tiền ăn cho trẻ ở trường hiện nay đang trở thành vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Tiền ăn cho trẻ ở trường hiện nay đang trở thành vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều trường mầm non tư thục và dân lập trên địa bàn thành phố. Mặc dù không tiết lộ mức tiền ăn cụ thể nhưng hầu hết các trường đều tăng học phí tháng 2 từ 100.000-250.000 đồng/tháng/bé.

Trong vai phụ huynh tìm chỗ gởi con sau Tết Nguyên đán do chuyển chỗ ở, chúng tôi được một nhân viên Trường Mầm non Lộc An (quận Bình Thạnh) cho biết tiền ăn cho bé sau tết dao động ở mức 40.000 đồng/ngày nhưng nhà trường không tính riêng mà “bù qua đắp lại” với các khoản chi phí khác để quy ra mức học phí từ 1,6 – 1,8 triệu đồng/tháng/bé.

Chia sẻ điều này, cô Bùi Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (quận 3) cho biết: “Năm ngoái, tiền ăn cho các lớp nhà trẻ là 19.000 đồng/ngày/bé và 20.000 đồng/ngày (chưa tính bữa ăn sáng) dành cho các lớp mẫu giáo. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2011-2012, nhà trường đã tăng lên 24.000 đồng/ngày đối với các bé nhà trẻ và 25.000 đồng/ngày đối với mẫu giáo. Sở dĩ có mức tăng cao như vậy là do nhà trường đã dự trù trước các khoảng trượt giá thực phẩm trước và sau Tết Nguyên đán nhằm duy trì ổn định tiền ăn trong cả năm học”.

Bên cạnh đó, nhằm đối phó với việc biến động giá, trường còn liên tục phát động phong trào thiết kế thực đơn mới, kết hợp tìm kiếm thêm các nguồn thực phẩm thay thế, tăng cường sử dụng sữa nội thay cho các loại sản phẩm sữa ngoại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực phẩm đa dạng của học sinh mà vẫn tiết kiệm chi phí cho phụ huynh.

Ngoài ra, không riêng gì bậc học mầm non, ngay cả các trường tiểu học và THCS có tổ chức ăn bán trú cũng đang kêu khổ.

Anh Ngọc Anh, Bếp phó dinh dưỡng, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Sau tết, giá cả nhiều loại mặt hàng thực phẩm như sữa, thịt bò, cá thu tăng chóng mặt. Mỗi ngày đi chợ, thiết kế bữa ăn thế nào để vừa đủ dinh dưỡng cho học sinh vừa gói ghém trong mức tiền chi tiêu có hạn là vấn đề nan giải luôn đặt ra cho bộ phận cấp dưỡng”. Lắm lúc phải đi chợ nhiều ngày giá rẻ dồn lại chi phí bù đắp cho một ngày có món “sang”. Một thời gian nhà trường đã thử thay món cá thu sốt cà bằng các loại cá hợp túi tiền hơn nhưng phản hồi của học sinh không tốt, do đó nhà trường đành chọn giải pháp vẫn duy trì món ăn này nhưng giảm số bữa ăn cá thu xuống, tăng cường thêm thịt heo kết hợp cùng một số loại rau, củ, quả “ngon, bổ, rẻ” khác để tiết kiệm chi phí.

  • “Co” bao nhiêu thì đủ?

Rõ ràng, khi giá cả một số mặt hàng tăng cao do biến động của thị trường sau Tết Nguyên đán, bộ phận cấp dưỡng của các trường phải đối mặt với bài toán chi tiêu mới: cân, đong, đo, đếm lại vật giá của các khoản chi phí khác để giảm tổng giá thành thực phẩm, đảm bảo chất lượng về mặt dinh dưỡng nhưng không tạo thêm áp lực tài chính cho phụ huynh.

Kinh nghiệm của hầu hết các trường, theo cô Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố 19/5 là ký hợp đồng bình ổn, dài hạn với những nhà cung cấp lâu năm, có uy tín nhằm hạn chế tối đa những biến động “đến hẹn lại lên” của thị trường sau tết. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng làm được điều đó. Đó là chưa kể một số ảnh hưởng dây chuyền của thị trường mỗi khi các mặt hàng thiết yếu như gas, điện, nước cùng tăng khiến các đơn vị “nhìn” nhau đồng loạt nâng giá.

Bằng chứng cho thấy là hiện nay mặc dù chưa chính thức thông báo tăng tiền ăn nhưng nhiều trường đã rục rịch tổ chức các buổi họp lấy ý kiến phụ huynh về việc thay đổi tiền ăn cho học sinh như Trường Mầm non 11 (quận Tân Bình), THCS Đào Duy Anh (quận 6), THCS Trần Văn Ơn (quận 1)…

Tình hình giá cả leo thang hiện nay cộng thêm tâm lý “chỉ cần nhà trường và phụ huynh đồng thuận là đủ” đã khiến vấn đề tiền ăn cho trẻ bán trú trở nên bức xúc trong dư luận.

Tăng giá thì phụ huynh kêu “khổ”, không tăng các trường cũng than “khó”. Đó là chưa kể thực trạng cùng nằm trong xu hướng tăng giá nhưng có nơi chỉ liệu cơm gấp mắm tăng thêm 2.000-3.000 đồng/ngày/trẻ, song cũng có không ít trường mạnh tay tăng đến 5.000 – 7.000 đồng/ngày/trẻ, khiến tổng số tiền “vượt chi” trong tháng của phụ huynh chạm ngưỡng 200.000 đồng/tháng. Có trường cam kết chỉ tăng học phí mỗi đầu năm học, song cũng có nơi thực hiện chính sách “phụ thuộc từng thời điểm biến động của thị trường”.

Điều này khiến nhiều người lo lắng đặt câu hỏi, phải chăng khái niệm bình ổn giá trong trường học hiện nay vẫn còn rất mơ hồ? 

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục