Năm học mới, nỗi lo cũ

Phòng học không kịp đà tăng dân số

Trong 2 ngày 24 và 25-7, đoàn khảo sát của UBMTTQ TPHCM đã khảo sát việc chuẩn bị cho năm học mới ở các quận 4, 11, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Nhiều vấn đề được đoàn ghi nhận và “mổ xẻ” như thiếu giáo viên, phòng học, cơ sở vật chất xuống cấp, hỗ trợ học sinh nghèo, các khoản thu đầu năm…

Phòng học không kịp đà tăng dân số

Tại huyện Hóc Môn, dù không phải địa bàn nóng về gia tăng dân số nhưng tiến độ xây dựng trường lớp vẫn không đáp ứng được tốc độ tăng dân số. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết, sĩ số bình quân hiện nay trên địa bàn huyện đã lên đến 46 học sinh/lớp. Để đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh, các trường không thể mở rộng hệ thống lớp bán trú theo chủ trương chung của TP. Đồng thời, đối với bậc mầm non, tỷ lệ trường ngoài công lập và nhóm trẻ tư thục chẳng những không giảm theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT mà còn tăng thêm 9 trường. Riêng đối với bậc tiểu học và THCS, vấn đề thiếu giáo viên các bộ môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục thể thao… năm nào cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, song chưa tìm ra lời giải. Đơn cử như trường hợp Trường THCS Tô Ký, năm học 2013 - 2014 dự kiến thiếu hơn 30 giáo viên. Trường THCS Đặng Công Bỉnh mặc dù mới được đưa vào sử dụng nhưng để đáp ứng số lượng học sinh quá lớn đã phải tăng từ 45 phòng học - số lượng phòng học tối đa dành cho trường THCS theo quy định của Thông tư 06 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 26-2-2010, lên 50 phòng.

Phải ghi nhận tại các quận 4 và quận 11, Bình Thạnh việc đầu tư kinh phí xây mới phòng học, khánh thành thêm nhiều trường mới rất được chính quyền địa phương quan tâm. Cụ thể, đầu năm học mới quận 4 sẽ khánh thành thêm 3 trường THCS và THPT và số phòng học mới sẽ tăng thêm 25 phòng, giải quyết nhu cầu học hai buổi của học sinh. Tuy vậy yêu cầu cần sửa chữa, xây mới trường học của quận 4 vẫn rất lớn. Trong năm học 2014, quận 4 đã đề nghị TP duyệt kinh phí xây mới 6 trường học. Ông Lê Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, trường này xây dựng từ năm 1963 đã xuống cấp và đang chờ xây mới để học sinh có chỗ học khang trang.

Theo Phòng GD-ĐT quận 11, tổng kinh phí dành cho sửa chữa, xây mới trường lớp, trang thiết bị lên đến 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại một số trường được khảo sát, để đổi mới giáo dục, tạo môi trường học tập tiên tiến vẫn cần tiền tỷ để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phòng chức năng hiện đại hơn. Ở góc độ quản lý ngành, ông Huỳnh Thái Châu, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Sở GD-ĐT TPHCM, phân trần: “Dù TP vẫn ưu tiên nguồn ngân sách cho giáo dục nhưng khó khăn vẫn tiếp tục và khó có thể đáp ứng theo yêu cầu đầu tư mới, sửa chữa của các trường”. Năm nay, TP đầu tư xây mới 1.314 phòng học nhưng với tốc độ tăng thêm 3% học sinh thì tốc độ xây trường khó theo kịp đà tăng dân số cơ học. Chính vì thế việc kéo giảm sĩ số xuống thấp hơn vẫn là bài toán nan giải.

Một vấn đề nóng được nhiều trường phản ánh là thiếu giáo viên, nhất là ở bậc mầm non, giáo viên dạy âm nhạc, thể dục… Để tuyển đủ giáo viên mầm non, các quận, huyện đề nghị TPHCM cho phép tuyển giáo viên mầm non chưa có hộ khẩu thường trú tại TPHCM (KT3).

Hỗ trợ học sinh nghèo

Việc điều chỉnh học phí từ năm học mới, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Là địa bàn khó khăn, quận 4 đã làm tốt việc rà soát, thực hiện miễn giảm, hỗ trợ các đối tượng học sinh nghèo, thuộc diện chính sách và hộ có đất bị thu hồi… Tuy nhiên, việc miễn giảm mới dừng ở khoản học phí, còn nhiều khoản thu khác cao hơn vẫn trở thành áp lực đối với nhiều gia đình. Vì thế, các ý kiến của đoàn khảo sát cho rằng nên chia các khoản thu khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền cơ sở vật chất… thành nhiều đợt hoặc lùi thời gian thu để giảm áp lực chi đầu năm của phụ huynh. Vì thế, các trường đang nóng ruột chờ đợi hướng dẫn của TPHCM về điều chỉnh học phí và các khoản thu khác để cân đối thu chi.

Riêng đối với các gia đình thuộc diện khó khăn, quy định hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mầm non mỗi tháng 120.000 đồng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện. Đại diện Trường Mầm non Tân Hòa (Hóc Môn) bày tỏ: “Nhiều cháu đã hoàn thành xong chương trình mẫu giáo, đến nay đã nộp hồ sơ vào lớp 1 nhưng gia đình vẫn đến trường hỏi về việc chi trả tiền hỗ trợ ăn trưa. Ngay chính nhà trường cũng chưa biết khi nào được phân bổ khoản tiền này, nên chỉ có thể trả lời phụ huynh khi nào có sẽ mời gia đình lên nhận”.

Tuy bậc tiểu học không bị điều chỉnh học phí mới nhưng một số hiệu trưởng kiến nghị TP xem xét tăng mức thu học phí buổi học thứ hai cao hơn vì mức hiện hành (30.000 đồng/học sinh) là quá thấp.

Ở bậc THPT, nhiều trường kiến nghị nên bãi bỏ quy định xét tuyển vào lớp 10, thay vào đó tiến hành tổ chức thi tuyển như các địa phương nhằm đánh giá đúng chất lượng đầu vào. Điển hình ở huyện Hóc Môn, tỷ lệ học sinh lớp 10 bỏ học tại các trường khá cao, trong đó phần đông các em không theo nổi chương trình. Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: “Năm học 2012 - 2013, toàn trường có 64 học sinh lớp 10 bỏ học ngay khi vừa kết thúc học kỳ 1. Trong đó, nhiều em mất căn bản hoàn toàn kiến thức lớp 9, dẫn đến việc không đủ sức theo tiếp chương trình”.

Sau đợt khảo sát này, UBMTTQ TP và Sở GD-ĐT TP sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới. Hy vọng những vấn đề nóng và bức xúc nêu trên sẽ được tháo gỡ để hoạt động giáo dục ở TPHCM phát triển tốt hơn.

KHÁNH BÌNH - THU TÂM

Tin cùng chuyên mục