Internet có khả năng tác động tới 40-50% GDP Việt Nam

Hiện nay, internet đã không thể tách rời các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40 – 50% GDP Việt Nam.

Đây là một trong những thông điệp mà Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đưa ra sau cuộc tọa đàm “Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” tại Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam.

Internet có khả năng tác động tới 40-50% GDP Việt Nam ảnh 1 Bộ trưởng Bộ TT-TT , Trương Minh Tuấn đối thoại với các doanh nghiệp tại  cuộc tọa đàm “Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”. Ảnh: TRẦN BÌNH
Theo VIA, cuộc tọa đàm “Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” tập trung thảo luận, phân tích các cơ hội và thách thức đang đặt ra cho hệ sinh thái Internet (bao gồm hạ tầng viễn thông - Internet, các ngành nội dung số và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet) của Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT-TT về những chính sách, giải pháp đảm bảo và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo sân chơi công bằng để giá trị mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể cùng tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam tăng lên.
Sau khi tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT-TT, cùng rất nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả tại cuộc tọa đàm, VIA thống nhất đưa ra những thông điệp chính như sau:

1. Hạ tầng Internet – viễn thông luôn là xương sống của sự phát triển Internet trong 20 năm qua tại Việt Nam. Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển, hiện đại hóa hạ tầng, phổ cập Internet di động tới tất cả người dân cần tiếp tục là ưu tiên quan trọng của Chính phủ.

2. Internet không còn bó hẹp trong nội dung số, với khả năng tác động 2 – 3% GDP. Thay vào đó, Internet đã không thể tách rời với các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40 – 50% GDP Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn những ngành dịch vụ mới, có nhiều tiềm năng, như thanh toán, Smart City, Smart Solutions, IoT... để đầu tư, đón đầu xu hướng thế giới.

3. Sớm ban hành, triển khai vào thực tế các quy định hỗ trợ, “giảm bớt sự chồng chéo, ràng buộc”, tháo gỡ bớt các ràng buộc cho doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Internet trong nước phát triển (về thuế, điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép hiện hành…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh bình đẳng, công bằng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là doanh nghiệp Internet xuyên biên giới, hạn chế tình trạng bảo hộ ngược, miễn là các giải pháp đó phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế.

4. Cần đẩy nhanh tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân – động lực chính của nền kinh tế số hội nhập. Càng nhiều rào cản cho doanh nghiệp nói chung và ngành Internet nói riêng thì tốc độ cuộc chơi, tốc độ thay đổi và đạt đến mục tiêu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng chậm.

5. Việc mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài cần một lộ trình phù hợp, khoa học, dài hạn để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam có đủ nội lực cạnh tranh và cạnh tranh lâu dài với các doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặt biệt trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của lĩnh vực tài chính, ngân hàng như trung gian thanh toán cần được quy định, khống chế ở mức hợp lý, đảm bảo sự bền vững và ổn định cho nền kinh tế vĩ mô. Bài học mở cửa thị trường viễn thông – Internet có giá trị tham khảo rất lớn cho các ngành kinh tế trọng yếu khác của Việt Nam. 

6. Trong kỷ nguyên số, luôn cần một sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và doanh nghiệp. Cả ba phía cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều hơn, để cùng đồng hành trên hành trình này, cùng hướng tới phục vụ quốc gia và người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cũng cần liên kết, liên minh với nhau mạnh hơn, cùng hướng tới những mục tiêu chung, cùng cất lên tiếng nói đến Chính phủ để tháo gỡ các vấn đề chính sách.

7. Truyền thông cần nhập cuộc, dành cái nhìn thiện chí và đánh giá công bằng hơn cho các nỗ lực, sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, báo chí truyền thông cần tích cực tuyên truyền tới người dân, xã hội, kêu gọi cộng đồng ủng hộ các sản phẩm, sáng tạo, doanh nghiệp Việt Nam. Người dùng cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược”: Chỉ chuộng và khen sản phẩm ngoại, quay lưng với sản phẩm, doanh nghiệp Việt, dù rất nhiều công ty Việt, sản phẩm Việt lại được đón nhận nhiệt tình ở thị trường quốc tế.

Internet có khả năng tác động tới 40-50% GDP Việt Nam ảnh 2 Mô hình Smart City với những công nghệ, ứng dụng Internet mới nhất được VNG trình diễn tại Internet Day 2017. Ảnh: TRẦN BÌNH
VIA rất mong được Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan báo đài truyền thông và cộng đồng xã hội quan tâm ủng hộ, cùng đồng hành vì tương lai phát triển đất nước trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin cùng chuyên mục