Khi bánh đúc “có xương”!

“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, câu tục ngữ quen thuộc phản ánh một thực tế về mối quan hệ giữa mẹ kế (dì ghẻ) hay cha dượng với con của người họ tái hôn...

Thế nhưng, với sự tiến bộ của đời sống xã hội, việc gây dựng, duy trì hạnh phúc trong những gia đình có sự tồn tại “con anh, con em, con chúng ta” đã không còn là chuyện quá xa vời.

Con chung của chúng ta

Chia tay chồng sau một cuộc hôn nhân bế tắc, chị Thanh Hằng, nhân viên truyền thông một công ty tại TPHCM, tưởng sẽ cứ ở vậy nuôi cô con gái lên 6 tuổi bởi lo sợ nếu đi bước nữa sẽ gây khó cho con mình. Thế nhưng, chị lại gặp và tìm thấy hạnh phúc một người mới.

Anh cũng từng lỡ một lần đò, cũng có một con gái với người vợ trước nhưng cháu ở với mẹ. Vợ chồng chị cùng góp tiền mua một căn hộ chung cư và cả 3 người cùng sống chung.

Ngay khi về sống, chị và anh đều thống nhất là phải cố gắng làm thế nào để con chị và con của anh không bị tổn thương vì sự chia tay của người lớn.

Thế nhưng, mọi việc không đơn giản, cô con gái của chị Hằng lại đang ở độ tuổi vừa đủ để biết nhưng lại quá nhỏ để hiểu. Suốt thời gian đầu, cô bé nhất quyết không chịu gọi cha dượng là cha, chỉ gọi là chú. Không những thế, việc gì cô bé cũng lấy ra so sánh chú với cha ruột mà vai chính diện luôn thuộc về cha, còn chú trong vai người xấu.

Khi bánh đúc “có xương”! ảnh 1  Gia đình ca sĩ Mỹ Linh - Anh Quân
Cũng không biết nghe từ ai, một dạo cô bé còn nhất quyết cho rằng chính vì chú mà cha mẹ bé chia tay nhau dù sự thực mãi lâu sau cuộc ly hôn, chị Hằng mới gặp người chồng hiện nay. Sự phản ứng của bé đã gây cho người mẹ tâm lý lo lắng bởi e sợ chồng mới bị sốc, phản ứng tiêu cực.

Tuy nhiên, là một người hiểu biết, chồng sau của chị đã giải thích cho chị hiểu phản ứng của bé là bình thường bởi con anh trước đây cũng thế, khi cha mẹ chia tay, ở tuổi của bé sẽ có cảm giác mình bị thiệt thòi nên chúng sẽ phản ứng bằng cách gồng lên tỏ vẻ mạnh mẽ hay tìm cách quy trách nhiệm việc cha mẹ chia tay cho một ai đó.

Phản ứng của bé không đáng trách mà là đáng thương nên việc trừng phạt không giải quyết được vấn đề mà phải dùng tình thương nhiều hơn mới bù đắp được.

Sau đó, anh đã thể hiện sự thương yêu, lo lắng và chăm sóc cho con riêng của chị và dần dần bé xem anh là cha mới, dù không thực sự thay thế cha ruột nhưng cũng không còn sự chống đối như trước đây.

Những câu chuyện cha dượng, mẹ kế yêu thương con riêng của chồng (vợ) không còn là những câu chuyện lạ thường. Thậm chí, nếu không thấy bên cạnh mình thì vẫn có thể thấy những câu chuyện như vậy ngay trên các mạng xã hội như chuyện ca sĩ Mỹ Linh thể hiện tình yêu với chồng qua cách yêu Anna Trương, con riêng của chồng, không khác gì con chung.

Hay như chồng sau của diễn viên Kim Hiền vượt qua áp lực của dư luận để xây dựng quan hệ thân thiết với con riêng của vợ tạo nên một câu chuyện tình đẹp giữa muôn vàn sóng gió của giới showbiz. 

Tìm hạnh phúc sau lần đi bước nữa

Trong bối cảnh xã hội không còn quá khắt khe như ngày xưa, việc ly hôn, lấy chồng (vợ) khác cũng không bị nhìn dưới cặp mắt xét nét, nặng nề. Thế nhưng, để xây dựng một gia đình mới hạnh phúc lại không phải là một chuyện dễ dàng.

Các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên cụ thể cho các bậc phụ huynh trong việc ứng xử với trẻ trong những gia đình có con riêng. Đầu tiên là việc tuyệt đối không được nói xấu cha (hoặc mẹ) đẻ của con.

Rõ ràng việc ly hôn đồng nghĩa là có mâu thuẫn giữa 2 người nhưng đứa trẻ không phải là nơi để cha hay mẹ trút giận và càng không nên nếu bạn là người tiếp theo.

Đứa trẻ có quyền yêu quý cha, mẹ đẻ của mình. Hãy cho trẻ thấy bạn tôn trọng mối quan hệ đó và sự xuất hiện của bạn sẽ không làm ảnh hưởng gì đến tình cảm của họ. 

Việc áp dụng kỷ luật cũng là vấn đề nhạy cảm trong việc chăm sóc con chồng (vợ) bởi với con đẻ chúng có thể hiểu sự nghiêm khắc do cha mẹ yêu thương mình nhưng với con riêng, chúng sẽ dễ tổn thương, cho đó là sự trừng phạt.

Nếu cần áp dụng kỷ luật, cha (mẹ) nên cùng bàn bạc điều đó với bạn đời và thử thăm dò thái độ của trẻ, tránh việc cố gắng ép buộc.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, một lỗi cha (mẹ) kế hay mắc phải là cố gắng thay thế vị trí cha, mẹ đẻ của bé. Điều này gần như là không thể bởi tình cảm ruột thịt là thứ bất biến.

Lời khuyên của các chuyên gia là cha (mẹ) kế nên đóng vai trò như một người đỡ đầu, một người thầy nhiều kinh nghiệm luôn biết lắng nghe, chia sẻ. Một lỗi lầm dễ xảy ra khác là việc đối xử thiên lệch giữa con riêng và con chung.

Ngay cả khi tất cả đều là con ruột, việc thiên vị cũng dễ gây ra những phản ứng tiêu cực chứ chưa nói đến đó là những con riêng. Điều này không những làm tổn thương trẻ mà còn tạo ra hiềm khích, đối kháng trong quan hệ giữa những đứa trẻ với nhau. 

Và cuối cùng là sự cầu toàn, thường khi tái hôn, người chồng (vợ) dễ nảy sinh suy nghĩ cố gắng xây dựng một gia đình hạnh phúc từ kinh nghiệm trước đó.

Thế nhưng việc đó không dễ dàng bởi con riêng đã là một điều rất khác biệt so với cuộc hôn nhân đầu. Sẽ phải mất khá nhiều thời gian để chúng hiểu và dành tình cảm cho người cha (mẹ) mới nên việc quan trọng không phải là tạo ra hạnh phúc ngay mà phải biết kiên nhẫn để xây dựng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Có thể thấy, việc con chung, con riêng, cha dượng, mẹ ghẻ không phải là phải là điều gì đó quá kinh khủng. Chỉ cần thực sự mong muốn xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc, sẽ có rất nhiều cách để thực hiện. Tư tưởng tiêu cực mà dư luận định hình lên cha (mẹ) ghẻ với con riêng đã chỉ còn là một tư tưởng cũ, không còn là điều áp đặt trong cuộc sống hôm nay. 

Tin cùng chuyên mục