Không để vấn đề đất đai làm vướng cổ phần hóa

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, với tiến độ 9 tháng vừa qua thì khả năng năm nay, số doanh nghiệp sẽ hoàn thành cổ phần hóa là 38 (kế hoạch là 44 doanh nghiệp).
Không để vấn đề đất đai làm vướng cổ phần hóa

Còn theo đánh giá của Bộ Tài chính, 9 tháng qua, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN (ảnh), Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết:

Việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân. Đó là, một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Cùng với đó là thị trường chứng khoán đã hồi phục, song vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.

- Phóng viên: Thưa ông, theo nhận định của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, khả năng năm nay sẽ chỉ hoàn thành cổ phần hóa 38 doanh nghiệp trong khi con số yêu cầu là 44. Ông nghĩ sao về khả năng không hoàn thành kế hoạch năm nay và điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến kế hoạch năm sau?

>> Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: Khi đặt ra kế hoạch là Chính phủ mong muốn, quyết tâm hoàn thành, tuy nhiên, việc thực hiện cũng có nhiều yếu tố tác động. Hoàn thành kế hoạch hay không thì phải đến thời điểm 31-12 mới biết. Khi đó, chúng ta cũng sẽ có các giải pháp cụ thể cho năm sau.

- Thưa ông, một trong những vấn đề được quan tâm nhất thời gian qua là việc xác định giá trị doanh nghiệp liên quan đến đất đai. Vậy hướng xử lý những khó khăn đó ra sao?

Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Trong đó có tháo gỡ các vướng mắc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước). Theo đó, sẽ công khai, minh bạch trong xử lý vấn đề về đất đai của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa, đó là phải xác định xong phương án sử dụng đất và chỉ được phục vụ cho ngành nghề kinh doanh chính. Ví dụ như: doanh nghiệp làm dệt may, nhà xưởng thì chỉ được sử dụng đất vào mục đích đó, không được kinh doanh bất động sản trừ khi đó là ngành nghề chính. Trong bước này, chúng ta đã có sự sắp xếp lại đất đai, đơn vị nào thừa đất, sử dụng đất không đúng mục đích thì sẽ thu hồi, chuyển cho doanh nghiệp khác. Khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần thì đất đai cũng phải được sử dụng đúng mục đích đã xác định trước đó và trả tiền thuê đất hàng năm. Trong trường hợp đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy hoạch lẫn chức năng kinh doanh của doanh nghiệp như xây cao ốc, chung cư… thì khi đó chúng ta sẽ xác định lại giá trị đất để nộp tiền quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; trường hợp cần thiết thì địa phương có thể áp dụng đấu giá để thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của doanh nghiệp.

Dự thảo cũng đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Điều này sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

- Xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hóa rất khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thường phải xin ý kiến, chờ đợi. Vậy, làm cách nào để không ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa của doanh nghiệp, thưa ông?

Trong cổ phần hóa, chúng tôi xác định tiến hành song song bởi vì việc xác định giá trị doanh nghiệp thường mất 8 - 9 tháng và cùng thời gian đó, doanh nghiệp tiến hành sắp xếp đất đai. Nếu làm như vậy thì tiến độ về cổ phần hóa sẽ đạt được. Trong quá trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 59, chúng tôi cũng có tính toán, lường trước và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thông điệp yêu cầu các doanh nghiệp trong danh mục cổ phần hóa đã công bố phải triển khai việc sắp xếp đất đai ngay theo đúng các quy định hiện hành của Luật Đất đai để khi cổ phần hóa không vướng. Còn nếu doanh nghiệp không thực hiện và để vướng khi cổ phần hóa thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. 

Tôi xin nhấn mạnh, Chính phủ đã công khai các doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa thì không thể có chuyện thờ ơ với việc sắp xếp đất đai, doanh nghiệp phải có trách nhiệm rà soát lại nguồn lực để tránh lãng phí. Không phải đến giờ những vướng mắc mới được đề cập mà những quy định liên quan đều đã có nhưng lần này chúng ta sẽ đẩy mạnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật. Thực hiện đồng bộ thì việc này sẽ nhanh.

- Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là vấn đề cổ đông chiến lược. Từ câu chuyện cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam không liên quan đến ngành nghề sản xuất phim, cho thấy với những doanh nghiệp cần thiết phải lựa chọn cổ đông chiến lược thì việc lựa chọn sao cho đúng là rất quan trọng. Vậy dự thảo có những yêu cầu, ràng buộc gì trong việc này?

Để khắc phục hạn chế hiện nay, dự thảo đã bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện như: có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế… Đặc biệt là có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc: tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm; không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực… Đồng thời có quy định các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký. 

Dự thảo cũng quy định rõ quy trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai. Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục