Cảng Hiệp Phước TP Hồ Chí Minh: Vươn ra biển lớn

Nếu không có gì thay đổi, ngày 16-10, Cảng container trung tâm quốc tế Sài Gòn (SPCT), cảng container lớn nhất TPHCM, sẽ tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với hoạt động hàng hải ở TPHCM.
Cảng Hiệp Phước TP Hồ Chí Minh: Vươn ra biển lớn

Nếu không có gì thay đổi, ngày 16-10, Cảng container trung tâm quốc tế Sài Gòn (SPCT), cảng container lớn nhất TPHCM, sẽ tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với hoạt động hàng hải ở TPHCM.

Phát triển cảng nước sâu ở Hiệp Phước

Cách nay gần 10 năm, thực hiện chủ trương di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành của Chính phủ, đồng thời với quyết tâm phải xây dựng cho được một hệ thống cảng biển mới hiện đại hơn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, TPHCM đã quyết định phát triển cảng biển ở Hiệp Phước.

Hiệp Phước là mảnh đất ở phía Nam của TPHCM. Tại đây có con sông Soài Rạp rất rộng chảy qua. Cách nay hơn 100 năm, do có vài điểm cạn nên sông Soài Rạp đã không được chọn làm luồng cho tàu biển vào sông Sài Gòn. Tuy nhiên, với công nghệ mới, TPHCM đã nạo vét thành công những điểm cạn này và dùng sông Soài Rạp làm luồng cho tàu biển vào hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước.

Luồng Soài Rạp bây giờ đã được nạo vét sâu 8,5m và dự kiến công tác nạo vét đến độ sâu 9,5m sẽ hoàn tất vào giữa năm 2010. Đến lúc đó, các tàu chở tới 5.000 TEUS sẽ có thể cập bến hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước.

Một góc cảng SPCT (Ảnh chụp sáng 13-10-2009). Ảnh: CAO THĂNG

Một góc cảng SPCT (Ảnh chụp sáng 13-10-2009). Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là đích cuối cùng của TP. Theo ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, chủ đầu tư dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp, luồng tàu này sẽ còn được nạo vét sâu đến 12m để có thể đón tàu trọng tải 80.000 tấn ra vào.

Cùng với luồng cho tàu vào Hiệp Phước, các tuyến đường giao thông đường bộ kết nối đến đây cũng đang được TP khẩn trương xây dựng. Hiện tại, đường Nguyễn Văn Tạo, trục đường giao thông duy nhất nối đến khu cảng biển Hiệp Phước đã được nâng cấp và trải nhựa.

Đặc biệt cầu Đông Điền vừa được xây dựng xong đã làm tốt “nhiệm vụ” kết nối các khu A, B, C của KCN Hiệp Phước với hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước, tạo ra một trục giao thông hàng hóa thuận tiện không chỉ cho cảng mà cho cả các doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước. Bên cạnh đó, một trục đường rộng tới 6 làn xe trong KCN Hiệp Phước kết nối đến các KCN lân cận cũng đang được xây dựng.

Dự kiến đến cuối năm 2009, trục đường này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đến năm 2010 hoàn thành toàn bộ. Với tất cả hệ thống giao thông nêu trên, toàn bộ khu vực Hiệp Phước gồm các KCN và khu cảng đã được kết nối liên hoàn.

Hiện nay, đi từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến khu cảng Hiệp Phước chỉ còn mất khoảng 30 phút, thay vì hàng giờ như trước đây. Điều này cũng sẽ là một điều kiện rất tốt cho các xe container, xe tải từ miền Tây Nam bộ lên lấy hàng ở hệ thống cảng biển Hiệp Phước.

Cảng container nước sâu đầu tiên bắt đầu hoạt động

Cảng SPCT là cảng nước sâu đầu tiên được xây dựng ở Hiệp Phước. Đây là một liên doanh giữa Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Tập đoàn DP World. Toàn bộ khu cảng rộng khoảng 40ha với công suất khai thác 1,5 triệu TEUS/năm.

Cảng SPCT được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng trong phạm vi 23ha, giai đoạn 2 xây dựng trong 20ha còn lại. Hiện nay SPCT đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng của giai đoạn 1 với 500m cầu cảng. SPCT cũng đã lắp đặt hoàn chỉnh 5 cẩu bờ, 13 cẩu bánh hơi hiện đại có tầm với 39m, tương đương 14 hàng container.

Ông Patrick Bol, Tổng giám đốc SPCT, cho biết, toàn bộ hệ thống tiếp và giao nhận container ở đây được điều hành bằng vi tính, vừa đảm bảo tiếp nhận và giao hàng nhanh chóng vừa hạn chế được đến mức tối đa các hành vi tiêu cực trong hoạt động giao nhận hàng.

Ngày 16-10, Cảng SPCT sẽ đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng. Con tàu này có sức chở 1.200 TEUS của Pháp, chở hàng đi Singapore. Trong tương lai, Cảng SPCT cùng với Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước (dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2010) sẽ đóng vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc phát triển hệ thống cảng ở TPHCM, từng bước vươn ra biển lớn, giúp TPHCM giữ vững và phát huy thương hiệu “Cảng Sài Gòn” vang danh một thời

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục