Xuất khẩu - Điểm sáng trong khó khăn

Theo số liệu thực hiện vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra, 15 ngày đầu tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 9,79 tỷ USD đưa con số này từ đầu năm đến 15-10 đạt khoảng 180 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 88,2 tỷ USD, tăng 18,5%. Như vậy, so với các chỉ tiêu kinh tế khác (GDP, lạm phát…) xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa.
Xuất khẩu - Điểm sáng trong khó khăn

Theo số liệu thực hiện vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra, 15 ngày đầu tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 9,79 tỷ USD đưa con số này từ đầu năm đến 15-10 đạt khoảng 180 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 88,2 tỷ USD, tăng 18,5%. Như vậy, so với các chỉ tiêu kinh tế khác (GDP, lạm phát…) xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa.

  • Vượt chỉ tiêu nhưng vẫn nhiều khó khăn

Theo dự tính của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 có thể đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch và tốc độ tăng trưởng được nhìn nhận khá ấn tượng trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái và phục hồi chậm của kinh tế thế giới, nhất là ở các nước phát triển dẫn tới nhu cầu của thị trường giảm sút và sự giảm sút của giá xuất khẩu...

Dù khả năng vượt mục tiêu xuất khẩu nhưng đại diện nhiều hiệp hội nhìn nhận, hoạt động xuất khẩu thời gian tới sẽ vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Hạt điều thuộc số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 1 tỷ USD song ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, vẫn lo lắng, bởi theo ông, sự tăng trưởng gần 30% về lượng không đạt hiệu quả như mong muốn vì người trồng điều đang gặp khó khăn do năng suất sụt giảm, giá thấp hơn 30% so với năm 2011. Trong số 300 đầu mối xuất khẩu, hàng ngàn cơ sở chế biến đã có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở phá sản vì những khó khăn hiện nay.

Sảnh xuất cáp quang xuất khẩu tại Nhà máy cáp quang Sacom. Ảnh: CAO THĂNG

Sảnh xuất cáp quang xuất khẩu tại Nhà máy cáp quang Sacom. Ảnh: CAO THĂNG

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 9 tháng ngành thủy sản xuất khẩu đạt gần 4,5 tỷ USD và khả năng đạt 6,5 tỷ USD trong cả năm rất khó. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ quá chậm. Vì khó khăn của kinh tế toàn cầu nên Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với Ấn Độ, Thái Lan dẫn đến tiêu thụ khó. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do không thể tiếp tục vay vốn. Ngoài ra khó khăn về giá thức ăn có xu hướng tăng, trong khi giá bán không tăng được; tiền cước vận tải, các hãng vận tải tăng giá, từ tháng 10.

Đại diện Hiệp hội Dệt may cũng thừa nhận, hiện nay, do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá đầu ra giảm. Do vậy, để đạt tăng trưởng 7% doanh nghiệp rất nỗ lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang lo lắng do việc bỏ thời gian ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày do Bộ Tài chính trình trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Điều này đã tạo thêm sức ép cho các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất khi thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi.

Trong khi đó, theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), một số ngành xuất khẩu của Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định như: ngành giấy phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá một số loại vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào biến động tăng và phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giấy nhập khẩu.

  • Linh hoạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp để duy trì đà tăng trưởng cao các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm như: gạo, cà phê, hải sản, cao su, dệt may, giày dép, hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện…

Cùng với đó, nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Bên cạnh đó, sử dụng linh hoạt các biện pháp để tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường chính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU để tăng kim ngạch xuất khẩu; khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới; đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật...

Theo Cục Xúc tiến thương mại, cần tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (AFTA) đã ký với các nước, chủ động ngăn ngừa, giải tỏa các rào cản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại với hai điểm nhấn là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình thương hiệu quốc gia; triển khai các quyết sách về tín dụng đầu tư và tín dụng, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai mạnh bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xuất khẩu; điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.

Đến nửa đầu tháng 10, các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất được thống kê, bao gồm: dệt may đạt 11,7 tỷ USD, tăng 803 triệu USD, tương đương 7,3% so với cùng kỳ; điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,2 tỷ USD, tăng 4,6 tỷ USD và gần 102%; dầu thô hơn 6,6 tỷ USD, tăng 800 triệu USD và gần 14%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng gần 2,4 tỷ USD và 82,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng hơn 1,7 tỷ USD và 95%… Xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 48 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 55% tổng trị giá xuất khẩu cả nước.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục