Kỳ vọng gì trong kinh doanh năm mới?

Thế giới chung nỗi lo
Kỳ vọng gì trong kinh doanh năm mới?

Kinh tế Mỹ có sự hồi phục mạnh từ nửa sau năm 2012. Tăng trưởng GDP quý 3-2012 đạt mức 3,1%/năm, chỉ thấp hơn đôi chút so với mức trung bình 3,25%/năm từ năm 1947 đến nay. Dự báo tăng trưởng GDP thực năm 2012 là 2,1%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 8,3% vào đầu năm xuống còn mức 7,8%. Đây là những con số ấn tượng của nước Mỹ trong bối cảnh châu Âu rơi vào suy thoái do khủng hoảng nợ công và Trung Quốc đang trong kịch bản hạ cánh cứng. Vậy kinh tế thế giới sẽ diễn biến ra sao, doanh nghiệp kỳ vọng gì vào năm 2013.

Một góc trung tâm quận 1, TPHCM. Ảnh: Bảo Ngọc

Một góc trung tâm quận 1, TPHCM. Ảnh: Bảo Ngọc

Thế giới chung nỗi lo

Trong năm 2013, vấn đề chung của tăng trưởng kinh tế toàn cầu chính là nỗi lo nợ công có thể dẫn đến kịch bản vỡ nợ ở một số quốc gia. Ở Mỹ, con đường phục hồi của quốc gia này gặp phải trở ngại bởi “vách đá tài khóa - fiscal cliff” (thuật ngữ mô tả hành động cắt giảm chi tiêu ngân sách liên bang và tăng thuế một cách tự động vào ngày 1-1-2013). Theo số liệu cập nhật vào ngày 9-1-2013, nợ công của nước Mỹ là 16.438 tỷ USD, vượt quá trần nợ công cho phép là 16.400 tỷ USD. Trước đó, nước Mỹ tạm thời tránh khỏi ảnh hưởng của vách đá tài khóa khi Quốc hội Mỹ tạm thời lùi thời hạn cắt giảm chi tiêu thêm 2 tháng trong khi việc tăng thuế (những người có mức thu nhập trên 450.000 USD/năm sẽ có mức thuế suất mới là 39,6% từ mức 35%) vẫn được thực hiện.

Trong thời kỳ đại khủng hoảng 1929-1933, nước Mỹ đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng bằng kế hoạch New Deal (lần 1 vào năm 1933-1934 và lần 2 vào năm 1935-1936) của Tổng thống Franklin D.Rooservelt (đảng Dân chủ). Điều thần kỳ xuất hiện với GDP tăng 4%/năm liên tục trong 4 năm và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 25% xuống còn 14%. Nhưng cũng chính kế hoạch này đã khiến nợ công của nước Mỹ tăng từ mức 20% GNP (tổng sản phẩm quốc dân) vào năm 1929 lên mức 40% GNP vào năm 1933-1937. Chính vì tỷ lệ nợ công tăng lên nên Quốc hội Mỹ đã tạo áp lực phải tiến hành cắt giảm thâm hụt ngân sách vào năm 1937. Việc dừng các chương trình kích thích kinh tế và giảm chi tiêu ngân sách (kết hợp với Fed thắt chặt tiền tệ) đã giáng một đòn mạnh lên kinh tế Mỹ, suy thoái diễn ra. Nước Mỹ chỉ thoát được suy thoái sau khi thế chiến thứ 2 bùng nổ vào năm 1939.

Rõ ràng, áp lực nợ công hiện nay của Mỹ còn lớn hơn so với thời điểm năm 1937. Sau khi Obama (cũng thuộc đảng Dân chủ) lên nhậm chức tổng thống vào năm 2008, ông cũng thực hiện một gói kích thích kinh tế và điều này khiến nợ công lên mức 104% GDP (tổng sản phẩm quốc nội - ước tính vào năm 2012). Chính vì vậy, vách đá tài khóa hiện tại hoàn toàn có thể dẫn tới một kịch bản giảm thâm hụt ngân sách như năm 1937. Đồng thời, để thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, Fed đã liên tục thực hiện các gói nới lỏng định lượng đưa vào thị trường tài chính và kế hoạch này tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao. Việc dừng các chương trình này sẽ tác động mạnh đến niềm tin tăng trưởng kinh tế.

Ở châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ công đã giảm bớt từ tháng 7-2012 khi chủ tịch ECB Mario Draghi cam kết “sẽ làm bất cứ điều gì” để cứu đồng tiền chung châu Âu. Nhưng với việc tăng trưởng kinh tế âm và hệ thống ngân hàng đang bị tê liệt (tăng trưởng tín dụng âm ở nhiều quốc gia) khiến cho tương lai trở nên mờ mịt. Cuộc khủng hoảng nợ công có thể trở lại bất cứ khi nào. Ở Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế chậm chạp vào năm 2012 đang khiến kịch bản hạ cánh cứng trở nên rõ nét hơn.

Thảm họa thiên nhiên và chiến tranh

Nói chung, thảm họa thiên nhiên là yếu tố khách quan và rất khó kiểm soát. Thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ở Nhật vào tháng 3-2011 là một ví dụ điển hình. Trong những năm gần đây, thảm họa thiên nhiên đang trở nên ngày càng khốc liệt hơn. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Arizona (tháng 1-2013), khả năng hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại vào mùa đông và mùa xuân năm 2013. Điều này có thể tạo nên các thảm họa hạn hán và lũ lụt. Nước biển ở Tây Nam cực cũng dự kiến tan nhanh hơn. Đây là một tin tức xấu vì trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy yếu, những cú sốc đến từ thảm họa tự nhiên sẽ khiến cho con đường phục hồi trở nên mờ nhạt.

Chiến tranh cũng là một mối đe dọa cho kinh tế thế giới năm 2013.  Hiện nay, căng thẳng giữa Iran và phương Tây ngày càng trở nên gay gắt. Không ít lần, thế giới phải tính đến kịch bản xấu do chiến tranh giữa Iran và phương Tây có thể gây ra.

Kinh tế Việt Nam: Bất động sản và nợ xấu

Kinh tế Việt Nam trải qua một năm 2012 đầy biến động trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Hàng loạt vụ thâu tóm trong lĩnh vực ngân hàng và sự kiện “bầu Kiên” bị bắt làm chấn động thị trường. Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng trở thành mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của NHTM Việt Nam vào khoảng 250.000 tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD). Nhưng điều đáng lo ngại là con số nợ xấu thực tế còn có thể lớn hơn bởi liên quan đến yếu tố đất đai, cho vay nội bộ… vốn ít khi được công khai minh bạch.

Diễn biến thị trường bất động sản trong năm 2013 là yếu tố quan trọng trong việc xử lý nợ xấu Việt Nam, vì hơn 64% các khoản vay được đảm bảo tài sản bằng bất động sản. Nếu bất động sản đi xuống, con số nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng. Có lẽ đây là lý do tại sao nhiều chuyên gia cảnh báo cần “cứu” thị trường bất động sản. Trong phiên họp cuối năm, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch giải cứu thị trường bất động sản bằng kế hoạch bơm 100.000-150.000 tỷ đồng. Nhưng liệu có phải bơm tiền sẽ cứu được thị trường bất động sản?

Có nhiều vấn đề trong kế hoạch giải cứu này nhưng ở đây chỉ đề cập đến tính pháp lý. Một chương trình kích thích kinh tế năm 2009 phải được trình Quốc hội phê duyệt vì dùng vốn ngân sách. Trong kế hoạch giải cứu bất động sản, việc bơm tiền bù lãi suất mua nhà cũng không thể dùng vốn ngân sách khi chưa được Quốc hội thông qua. Việc bơm tiền thông qua công ty mua bán nợ càng không thể vì tính pháp lý và thực tế hiện tại ngân sách không có nguồn lực để xử lý việc này. Tại hội nghị triển khai ngành ngân hàng 2013, Thủ tướng đã phát biểu “không có ngân sách để xử lý nợ xấu” và “việc bơm tiền vào hệ thống tài chính nếu gây ra lạm pháp thì Thống đốc phải chịu trách nhiệm”. Điều này sẽ đưa đến một chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2013 chứ không như kỳ vọng sẽ giúp giải quyết “cục nợ” bất động sản.

Trước diễn biến kinh tế thế giới chưa thuận, còn tiềm ẩn nhiều thách thức, kế hoạch kinh doanh năm 2013 không dễ dàng ứng phó với những tác động bất ngờ từ bên ngoài. Tuy nhiên, thị  phần kinh doanh nội địa sẽ trở nên ổn định hơn khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đã ở mức thấp, có thể giảm lãi suất tiếp, tạo thuận lợi cho người vay. Tỷ giá tiếp tục ổn định do vàng không liên thông với thế giới và xuất nhập khẩu tự cân đối được ngoại tệ. Và đừng quá kỳ vọng vào việc bơm tiền mạnh tay để giải cứu bất động sản

TS Lê Đạt Chí
ĐH Kinh tế TPHCM

Tin cùng chuyên mục