Cơ hội cho vàng phi SJC?

Cùng với xu hướng tăng của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước ngày 13-3 đã tái lập mốc 44 triệu đồng/lượng sau khi giằng co dưới mốc này gần suốt tuần. So với cuối giờ chiều hôm trước, giá vàng SJC đã tăng khoảng 220.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới hiện đang quanh mốc 1.592,77 USD/ounce, thấp hơn giá vàng SJC khoảng gần 3,6 triệu đồng/lượng sau khi quy đổi.
Cơ hội cho vàng phi SJC?

(SGGP). – Cùng với xu hướng tăng của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước ngày 13-3 đã tái lập mốc 44 triệu đồng/lượng sau khi giằng co dưới mốc này gần suốt tuần. So với cuối giờ chiều hôm trước, giá vàng SJC đã tăng khoảng 220.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới hiện đang quanh mốc 1.592,77 USD/ounce, thấp hơn giá vàng SJC khoảng gần 3,6 triệu đồng/lượng sau khi quy đổi.

Mặc dù khoảng cách chênh lệch đã kéo giảm xuống gần 1,5 triệu đồng so với đỉnh điểm khoảng 5,5 triệu đồng/lượng trong tháng 2 nhưng mức chênh này vẫn còn quá cao so với kỳ vọng của người dân về việc NHNN đã khẳng định kéo giá vàng SJC xuống sát với giá vàng thế giới khi NHNN chính thức tham gia vào thị trường.

Mua vàng trang sức tại một tiệm vàng tư nhân. Ảnh: KIM NGÂN

Mua vàng trang sức tại một tiệm vàng tư nhân. Ảnh: KIM NGÂN

Lý giải về độ chênh lệch này, trong buổi trả lời trực tuyến xung quanh vấn đề giá vàng gần đây, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty SJC, cho rằng giá vàng trong nước và thế giới còn cách biệt xa là do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường. Theo ông Dũng, trước đây để giữ giá vàng trong nước và thế giới sát nhau, mỗi năm Việt Nam phải nhập 30 - 40 tấn vàng. Nếu tính tạm 60 triệu USD/tấn vàng thì phải bỏ ra 1,8 - 2,4 tỷ USD (tương đương 37.000 - 50.000 tỷ đồng). Bỏ số tiền quá lớn để nhập vàng có thể gây ra lạm phát cao, việc kiềm chế lạm phát cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và kèm theo đó sẽ phát sinh hàng loạt hệ lụy khác như gây áp lực tỷ giá…

Cũng theo ông Dũng, hiện ưu tiên lớn nhất của Việt Nam lúc này là ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù không ủng hộ việc chênh lệch giá lớn này nhưng cần hiểu rằng việc chênh lệch giá đặt ra trong bối cảnh phải lựa chọn những cái nào có điểm tích cực nhiều hơn. Trả lời câu hỏi: Lợi nhuận chênh lệch này rơi vào túi ai? Ông Dũng cho biết, mức chênh lệch lớn là do trước đó nhiều đơn vị đã mua số lượng lớn với giá cao, nay mua lại nhằm cắt lỗ chứ không thể tạo ra lợi nhuận mà đây chỉ là lãi kỹ thuật.

Một vấn đề được người dân quan tâm là liệu quyền lợi của người nắm giữ vàng phi SJC có được đảm bảo như vàng SJC hay không? Cụ thể là Thông tư 06 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có hiệu lực từ ngày 13-3 quy định: Loại vàng miếng giao dịch là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ.

Theo đó, trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất (từ vàng miếng SJC - PV). Tuy vậy, NHNN cũng cho biết, tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác (tức vàng phi SJC - PV) do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ. Loại vàng miếng giao dịch cụ thể được thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong thông báo mua, bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng của NHNN.

Về quy định này, lãnh đạo một thương hiệu vàng phi SJC cho rằng, có thể kỳ vọng thông tư này sẽ mở ra lối thoát cho vàng phi SJC, đó là được kéo ngang giá với vàng SJC khi NHNN tiến hành mua bán cả loại vàng này. Bởi lẽ theo vị này, khoảng 1 năm qua, kể từ khi NHNN bắt đầu độc quyền vàng miếng với thương hiệu SJC, mặc dù NHNN công bố các loại vàng phi SJC vẫn được lưu hành hợp pháp nhưng thực tế các loại vàng phi SJC trên thị trường vẫn bị phân biệt đối xử không công bằng. Cũng là vàng 99,99% nhưng vàng phi SJC luôn bị ép giá thấp hơn từ 1 - 3 triệu đồng/lượng, có khi người dân bị ép giá lên đến 5 - 6 triệu đồng/lượng khi đem vàng phi SJC đi bán thì quá thiệt thòi.  

H.NHUNG

Tin cùng chuyên mục