Vì sao xăng dầu giảm nhiều, giá vận tải chỉ giảm nhẹ?

- Phóng viên:

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc giảm giá cước vận tải trong bối cảnh giá nhiên liệu giảm sâu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thế nhưng mọi việc vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với Thạc sĩ Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM để đi tìm câu trả lời.

- Phóng viên: Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, ông nghĩ sao về việc vẫn còn một số doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước trong khi giá xăng, dầu đã giảm sâu?

>> Thạc sĩ LÊ TRUNG TÍNH: Tôi cho rằng đó là điều bất bình thường, vì trong vận tải, chi phí xăng dầu chiếm khá cao trong cơ cấu giá thành vận tải (trung bình vào khoảng 25-35% giá thành tùy theo loại xe hoặc loại hình vận tải). Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giá nên trực tiếp yêu cầu những doanh nghiệp (DN) chưa giảm giá cước báo cáo lý do, thông qua đó, cơ quan quản lý có thể tìm ra nguyên nhân cụ thể và có những khuyến nghị cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- DN vận tải đưa ra một số lý do để không giảm giá cước như: vừa mới đầu tư, cải tạo phương tiện, chất lượng phục vụ cao thì giá vé phải cao tương ứng…, ông nghĩ gì về những lý lẽ này? Ông có nghĩ DN vận tải cần sòng phẳng với hành khách?

Tôi nghĩ DN có quyền đưa ra các lý do để giải thích cho mức giá vận tải của mình, vì đây là loại dịch vụ nhà nước không trực tiếp quản lý giá. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa DN muốn đưa ra mức giá bao nhiêu cũng được. Nhà nước đang quản lý giá cước vận tải theo phương thức yêu cầu DN “kê khai và niêm yết giá”. Qua phương thức này, các cơ quan có thẩm quyền về giá, có thể biết được DN nào có mức giá cước vận tải phù hợp. Từ đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu DN điều chỉnh nếu thấy mức giá đưa ra chưa phù hợp. Nếu DN không điều chỉnh, khi áp thuế cho các DN này, cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước có quyền xuất toán những chi phí không hợp lý. Doanh nghiệp kinh doanh chân chính thường có trách nhiệm cao với xã hội, với khách hàng của mình bởi đó là con đường tất yếu để DN tồn tại và phát triển lâu bền. Tuy nhiên, nếu DN không sòng phẳng với khách hàng của mình thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra những giải pháp phù hợp để xử lý, thậm chí có thể áp dụng  biện pháp chế tài!

- Có nên duy trì các biện pháp quản lý vận tải như hiện nay? Chính phủ đang xem xét đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá…, theo ông nên làm như thế nào?

Theo tôi, nên duy trì quy định về  giá cước vận tải như hiện nay, vì đây là cơ chế quản lý hợp lý, với các lý do:

Một là, nền kinh tế chúng ta đang vận hành theo “cơ chế thị trường”, nên nếu nhà nước  ấn định giá hoặc đưa vào diện ấn định giá, bình ổn giá quá nhiều mặt hàng thì lại trái quy luật của nền kinh tế thị trường.

Hai là, nếu tạo được một thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hạn chế được những tiêu cực (nếu có) trên đường đi như nhiều tài xế phản ánh, thì quy luật cung cầu của thị trường sẽ tự có cách điều chỉnh giá cước vận tải một cách hợp lý. Doanh nghiệp không thể tự ý ấn định giá cước vận tải một cách phi lý nếu thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Nếu muốn phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý hoạt động vận tải, trước mắt Nhà nước cần phát huy tích cực vai trò của cơ quan quản lý giá và quản lý hoạt động vận tải. Tại TPHCM, Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải đã làm khá tốt vai trò của mình, nên các DN vận tải trên địa bàn đều đã giảm giá cước, thậm chí có DN đã giảm tới 2-3 lần, tương ứng với mức giảm nhiều lần của giá  xăng dầu.

Cho đến thời điểm hiện nay, số liệu báo cáo ở các Bến xe miền Đông và Bến xe Miền Tây cho thấy những DN không giảm giá cước đều là những DN ở các tỉnh, thành phố khác và những DN này cũng chiếm thị phần không lớn. Điều này có nghĩa rằng với những quy định của pháp luật hiện hành, nếu quyết liệt triển khai thực hiện thì Nhà nước vẫn có thể kiểm soát được giá cước vận tải.

- Về nguyên tắc, đây là một thị trường cạnh tranh rất khốc liệt và không thể có chuyện DN đưa giá mức giá cao bất hợp lý mà người tiêu dùng phải chấp nhận… Thế nhưng vì sao giá cước vận tải vẫn ở mức cao và nhiều DN vận tải không chịu giảm giá?

Như tôi đã nói ở trên, thực ra con số 57 DN vẫn chưa giảm giá chủ yếu là những DN ở các tỉnh, thành phố khác ngoài TPHCM. Ngoài ra, theo phản ánh của một số tài xế, hiện nay tiêu cực phí trên đường rất nhiều. Đây là những khoản chi phí mà trên thực tế, không thể hạch toán được nên DN buộc phải giữ giá cước cao để bù đắp cho khoản chi phí này.Thực hư vấn đề này như thế nào, các ngành chức năng cần phải làm rõ để xây dựng một thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, làm cơ sở cho việc hình thành giá cước vận tải hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. 

- Cảm ơn ông.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục