Chuyện học nghề của thanh niên nông thôn: Nghịch lý thiếu - thừa

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 11-2009. Riêng TPHCM, từ năm 2010, mục tiêu hàng năm sẽ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 40.000 - 50.000 lao động nông thôn. Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên nông thôn rất cụ thể nhưng họ vẫn chưa mặn mà với việc học nghề, vì sao? 
Chuyện học nghề của thanh niên nông thôn: Nghịch lý thiếu - thừa

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 11-2009. Riêng TPHCM, từ năm 2010, mục tiêu hàng năm sẽ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 40.000 - 50.000 lao động nông thôn. Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên nông thôn rất cụ thể nhưng họ vẫn chưa mặn mà với việc học nghề, vì sao? 

  • Học ở trường không bằng... ở tiệm 

Khảo sát của chúng tôi tại một số trung tâm dạy nghề ở các quận huyện vùng ven cho thấy phần lớn phòng ốc và cơ sở vật chất - từ bàn ghế đến các trang thiết bị - đều cũ kỹ. Anh Nguyễn Văn Tình, ngụ tại huyện Bình Chánh tâm sự: “Sau khi đất gia đình bị thu hồi để xây dựng đường cao tốc, tôi đến Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh xin học nghề và được giới thiệu học nghề may hoặc sửa chữa xe máy. Học được một thời gian ngắn, tôi phải bỏ ngang vì thầy dạy lý thuyết nhiều quá. Sau đó, tôi theo mấy đứa bạn ra ngoài học việc ở tiệm sửa xe, vừa có tiền công, vừa dễ hiểu”. 

Tổng kinh phí thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Chính phủ phê duyệt là 32.679 tỷ đồng. Trong số đó, kinh phí dạy nghề lao động nông thôn là 31.153 tỷ đồng (25.551 tỷ đồng để chi hỗ trợ nông dân học nghề; 5.105 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề huyện). Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 1.526 tỷ đồng.

Khi đến Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh, chúng tôi ghi nhận cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ việc thực hành và học của học viên quá sơ sài. Lớp sửa chữa xe máy nhưng phương tiện học tập của học viên chỉ có vài lốc máy xe gắn máy cũ kỹ. Còn ở lớp dạy nghề mộc, máy móc cũng lạc hậu, cũ kỹ không kém. 

Thế nhưng, bài toán thu hút học viên không chỉ vướng ở cơ sở vật chất. Hiện nay các Trung tâm Dạy nghề quận 2 và huyện Cần Giờ dù được đầu tư khá tốt nhưng vẫn mòn mỏi chờ học viên đến học, dù hàng năm ngân sách bỏ ra hàng tỷ đồng để giảm và miễn học phí cho thanh niên nông thôn theo học nghề.

“Thiết bị của một số cơ sở dạy nghề không đáp ứng nhu cầu người học nên chưa hấp dẫn lao động nông nghiệp đến học nghề. Đa số thanh niên có tâm lý ngại học nghề hoặc do hạn chế về trình độ học vấn khiến họ thiếu quyết tâm để học nghề tới nơi tới chốn, nhất là những nghề áp dụng công nghệ mới. Chính từ tâm lý ngại khó, tính thiếu kỷ luật và lười học là rào cản lớn nhất ngăn cản thanh niên nông thôn đến với trường nghề”, một cán bộ Trung tâm Dạy nghề quận Bình Tân bộc bạch. 

  • Thừa trường lớp, thiếu người học 

TPHCM có lợi thế về đào tạo nghề mà không phải địa phương nào cũng có được đó là hệ thống cơ sở dạy nghề được phủ kín ở các quận, huyện.

Theo Phòng Dạy nghề (Sở LĐTB-XH TPHCM), trên địa bàn TPHCM hiện có 370 cơ sở dạy nghề, trong đó có 9 trường cao đẳng và 22 trường trung cấp nghề. Hàng năm, các cơ sở dạy nghề có thể đào tạo được khoảng 40.000 học viên từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng nghề. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở dạy nghề có uy tín, cơ sở vật chất tốt lại tập trung ở các quận nội thành. Còn phần lớn các cơ sở dạy nghề quận, huyện đang trong tình trạng cơ sở vật chất yếu kém, trang thiết bị lạc hậu, trình độ giáo viên hạn chế… 

So với các địa phương, TPHCM cũng có lợi thế lớn trong triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông nghiệp. Phổ biến nhất là mô hình dạy nghề tập trung giúp thanh niên nông thôn có nghề để tìm việc làm ở khu vực công nghiệp, dịch vụ như cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, lái xe, may mặc...

Thanh niên đang thực hành tay nghề tại Trường Cao đẳng Nghề TPHCM.

Thanh niên đang thực hành tay nghề tại Trường Cao đẳng Nghề TPHCM.

TPHCM còn có các mô hình dạy nghề lưu động đối với vùng xa; dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động cho lao động vùng nông thôn; “dạy nghề tại hiện trường” và các mô hình đào tạo nông nghiệp không chính quy thường xuyên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng kỹ thuật mới... Tuy vậy, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông nghiệp đến nay vẫn chưa cao. Hàng năm chỉ có khoảng 1.000 - 1.200 người được đào tạo nghề, so với con số hàng trăm ngàn lao động ở khu vực nông thôn. 

Nói về hệ thống dạy nghề tại TPHCM, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB-XH TPHCM) cho biết: Năng lực đào tạo thì không thiếu nhưng chất lượng đào tạo là vấn đề cần xem lại. Một số cơ sở dạy nghề thụ động ngồi chờ học viên đến đăng ký chứ không chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sau đào tạo. Mặt khác, các doanh nghiệp không có kế hoạch nhân sự lâu dài, không bắt tay cùng cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo theo nhu cầu của họ nên khi thiếu lao động mới rao tuyển. Nhiều lao động qua đào tạo chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề cần lao động có tay nghề không tuyển đủ nhân lực trong khi các trường nghề vẫn thiếu học viên 

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục