Mua thông tin cá nhân dễ như mua rau!

Sau một thời gian các nhà mạng cam kết ngăn chặn tin nhắn rác, gần đây tình trạng tin nhắn rác lại ngày càng nhiều lên, nhiều đầu số tin rác lại xuất phát từ chính các nhà mạng. Trong khi nhà mạng thu lợi từ việc này thì người dùng điện thoại phải chịu nhiều phiền toái và rắc rối. 

Trước đây, các tin nhắn quảng cáo hầu như từ các đầu số dịch vụ bên ngoài. Nay các nhà mạng cũng dội bom tin nhắn rác đến người dùng. Anh Hoàn (ở quận Thủ Đức, TPHCM, chủ thuê bao 0352xxx) bức xúc: “Chỉ từ đầu tháng 10 tới giờ tôi đã phải nhận hơn 15 tin nhắn rác từ CSKHViettel, Viettel-DV, Viettel-QC, Viettel-KM, Chuyentien, NAPTHE-VT, Mocha… Thật kỳ lạ, quảng cáo là do nhà mạng gửi, tại sao lại thêm câu: “Từ chối QC, soạn TC gửi...?”.

Mấy ngày nay tôi liên tục nhận được tin nhắn khuyến mãi 20% một ngày 2 tin nhắn, cảm thấy rất phiền hà”.

Tương tự, chị Long (ở quận Gò Vấp, TPHCM, chủ thuê bao 098xxx) cũng phàn nàn: “Ai là người bảo vệ quyền lợi của người dùng điện thoại khi nhà mạng không tôn trọng quyền lợi của khách hàng, cố ý trục lợi bằng việc làm phiền khách hàng. Thực sự tôi rất khó chịu, nhức đầu vì luôn bị “khủng bố” bằng tin nhắn rác. Nào là ứng tiền, khuyến mãi, nhạc chuông, nhạc chờ... thi nhau quảng cáo. Cứ sau khi kết thúc một cuộc gọi lại có tin nhắn đến báo tài khoản gần hết tiền, với nội dung: “Ứng 25.000 đồng, phí dịch vụ là 5.000 đồng” - mức phí như vậy là quá chát và nhà mạng cứ tự tiện mời chào, làm phiền khách hàng”.

Mua thông tin cá nhân dễ như mua rau! ảnh 1 Tin nhắn rác 
Người dùng điện thoại các nhà mạng như Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnammobile cũng bị nhận tin nhắn rác, quảng cáo, dịch vụ 3G, 4G… từ chính nhà mạng với mức độ ít nhiều khác nhau.

Cùng với tin nhắn rác từ nhà mạng, nhiều người dùng điện thoại cũng phản ánh rằng mình nhận được rất nhiều cuộc gọi từ đầu số lạ, tư vấn, mời chào vay tiền, bảo hiểm, bán nhà đất… Điều đáng lo ngại là những thông tin cá nhân của người dùng điện thoại đều được người quảng cáo nắm rất rõ.

Chị Hạnh (ở quận 11, TPHCM) phản ánh: “Tôi thường xuyên làm việc căng thẳng từ sáng tới chiều tối mới trở về nhà, vậy mà nhiều khi đang trên đường đi về nhà thì điện thoại báo có cuộc gọi với đầu số 028. Cứ tưởng là đầu số từ công ty nên phải móc ra điện thoại nghe gấp. Nhưng sau đó mới biết đó là cuộc gọi tư vấn của nhân viên ngân hàng về việc cho vay tín dụng. Thực sự là rất phiền và nhiều lúc còn nguy hiểm nữa, nhất là lúc đó đang điều khiển xe máy đi trên đường. Họ tự cho mình cái quyền nhắn tin, gọi điện bất kể giờ giấc. Tôi cũng không hiểu vì sao họ lại có số điện thoại, đọc đúng tên của mình”.

Anh nhân viên một ngân hàng tại TPHCM tiết lộ: “Phía ngân hàng cũng thường xuyên mua dữ liệu người dùng điện thoại từ các đơn vị bên thứ 3. Mỗi gói được phân loại rất cụ thể (người gửi tiết kiệm, bác sĩ, giáo viên, bất động sản…), từ đó mình gọi hoặc gửi tin nhắn đến để mời chào vay tiền hoặc mở thẻ. Thường thì nhân viên phải chạy doanh số, nên phải tích cực mời chào, biết là làm phiền người ta, nhiều lúc còn bị nghe những lời khó chịu, mắng mỏ. Chính bản thân mình đây cũng bị tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo làm phiền, nhưng cũng phải tiếp thị như vậy”.

Hiện nay việc rao bán thông tin cá nhân rầm rộ, công khai trên Internet. Chưa bao giờ thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, chức danh, nơi làm việc… lại mua được dễ dàng như lúc này.

Báo chí đã phản ánh rất nhiều về việc kinh doanh phạm pháp này, tuy nhiên các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa giải quyết, chấn chỉnh có hiệu quả.

Do vậy, mọi người cần phải tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình, chỉ cung cấp thông tin những lúc cần thiết; không nên dễ dãi điền đầy đủ thông tin, công khai nội dung tự giới thiệu trên các trang mạng xã hội hay các phiếu tham gia khuyến mãi, tham gia các cuộc thi trúng thưởng.

Tin cùng chuyên mục