Nặng lòng hai tiếng “quê hương”

Làm được nhiều việc có ý nghĩa cho người Việt Nam luôn là ước mong cháy bỏng của chị Lương, người luôn nặng lòng với hai tiếng “quê hương”.
 
 

 

Sang Hàn Quốc làm dâu xứ người, nỗ lực không biết mệt mỏi để hòa nhập với cuộc sống quê chồng và từng bước khẳng định năng lực bản thân tại một trong những ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc... đó là chị Nguyễn Thị Lương, nhân viên bộ phận kinh doanh, phụ trách việc quản lý khách hàng Việt Nam và các hoạt động marketing liên quan đến thị trường Việt Nam tại Ngân hàng Woori, trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc.
Nặng lòng hai tiếng “quê hương” ảnh 1 Cô nhân viên năng động của Ngân hàng Woori Nguyễn Thị Lương (phải)
 Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Lương làm việc cho công ty Hàn Quốc ở Việt Nam. Trong thời gian học thêm tiếng Hàn, chị gặp người chồng bây giờ. Ban đầu, cả hai gia đình đều không tán thành bởi không bên nào muốn con mình phải lấy chồng, lấy vợ xa. Và đặc biệt, phía nhà chồng chị còn có ý coi thường khi cho rằng con trai họ đâu có kém cỏi đến mức phải sang tận Việt Nam lấy vợ. Sau này, khi tiếp xúc với nhiều cô dâu Việt cũng như nhiều phụ nữ nước ngoài tại xứ kim chi, chị Lương cảm nhận rõ họ cũng bị xem thường. 

“Ở Việt Nam, được ăn học tử tế, đi làm như mọi người, không dựa dẫm vào ai mà sang đây bị coi thường thì buồn lắm. Những lúc đó, mình luôn nhớ lời mẹ dạy: phải sống thật tốt để người ta không thể xem thường”, chị Lương chia sẻ. Để hòa nhập, xóa bỏ định kiến về những cô dâu nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc chỉ vì muốn một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà, chị Lương chăm chỉ học tiếng Hàn; tham gia các cuộc thi nói tiếng Hàn và giành được một số giải thưởng; chịu khó học hỏi, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực Hàn Quốc, cách giao tiếp với người bản xứ... 

Rồi Ngân hàng Woori có đợt tuyển nhân viên. Trước khi đăng ký dự tuyển, chị Lương làm ở trung tâm đa văn hóa giúp đỡ phụ nữ kết hôn, rồi đi dạy tiếng Việt ở các công ty của Hàn Quốc... Nhận thấy không chỉ đơn thuần thích các con số mà còn thích giao tiếp với mọi người và muốn khám phá thêm khả năng của bản thân, chị Lương tham gia ứng tuyển. Vượt qua các vòng tuyển loại đầy cạnh tranh cùng khoảng thời gian thử việc từ 3 - 6 tháng, chị Lương trở thành nhân viên của Ngân hàng Woori .

Đầu năm 2017, chị Lương chuyển sang bộ phận kinh doanh sau thời gian làm biên dịch. Nhiệm vụ của chị là làm marketing, quản lý khách hàng Việt Nam, tuyển dụng nhân viên nước ngoài. Nhớ lại thời gian mới vào ngân hàng, chị Lương cho biết phải chịu rất nhiều áp lực. Trải qua khoảng thời gian dài khó khăn chứng tỏ năng lực, các ý kiến của chị Lương được xem xét và chấp nhận dễ dàng hơn so với giai đoạn đầu bị bác bỏ hoàn toàn. Đó là lúc chị làm được nhiều việc có ý nghĩa. Từ tham vấn của chị, nhiều chi nhánh Ngân hàng Woori trên cả Hàn Quốc tuyển người Việt làm nhân viên, trong đó đa số là phụ nữ đã kết hôn, còn du học sinh làm công việc bán thời gian. Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người Việt tại Hàn Quốc là một điều thực sự đáng quý. 

Ngoài ra, Ngân hàng Woori cũng hỗ trợ rất nhiều cho hội sinh viên, hội người Việt tại Hàn Quốc. Chị Lương hy vọng, Ngân hàng Woori sắp tới sẽ có chương trình học bổng cho sinh viên Việt Nam và con em gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc. Xa hơn, chị Lương mong muốn trong 2 năm tới sẽ thành lập được một quỹ từ thiện, với sự đóng góp của cá nhân chị cũng như những người Việt thành đạt tại Hàn Quốc, để giúp đồng hương không may mắn ở Hàn Quốc hay có những suất học bổng tặng trẻ em nghèo ở Việt Nam... Làm được nhiều việc có ý nghĩa cho người Việt Nam luôn là ước mong cháy bỏng của chị Lương, người luôn nặng lòng với hai tiếng “quê hương”.

Tin cùng chuyên mục