Kỷ niệm 91 năm Cách mạng Tháng 10 Nga (7-11-1917 – 7-11-2008)

Nước Nga đang trở lại vị trí cường quốc

Nước Nga đang trở lại vị trí cường quốc

Trải qua nhiều năm khó khăn, đất nước Nga, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đã bắt đầu phục hưng, trở lại địa vị một cường quốc, khẳng định sức sống mãnh liệt của một dân tộc có bề dày lịch sử đáng nể.

Nước Nga tiếp tục hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 4 yếu tố kinh tế quan trọng để nước Nga tìm cách củng cố và nâng cao vị thế của mình, từ đó trở lại thành một siêu cường quốc trên thế giới: thứ nhất, lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ; thứ hai, công nghiệp quốc phòng; thứ ba, giao thông (đường bộ, đường biển, đường không) và thứ tư, công nghiệp nguyên tử. Phát triển kinh tế nước Nga dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu khí chiếm 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và chiếm 34% trữ lượng khí đốt thế giới. Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ.

Sản lượng điện chiếm 12% sản lượng điện toàn cầu. Hiện nay tổ hợp nhiên liệu-năng lượng Nga là một trong những tổ hợp quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế Nga, chiếm khoảng 1/4 GDP, 1/3 sản lượng công nghiệp và 1/2 nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Theo thống kê, kinh tế Nga những năm qua liên tiếp tăng trưởng, với tốc độ tăng GDP rất nhanh: từ năm 2005 đã đạt 1.500 tỷ USD; đến năm 2006 GDP đạt 1.589 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 11.000 USD. GDP năm 2007 đã tăng hơn 7,5%. Sản xuất công nghiệp đã lớn mạnh thêm 6%.

Nước Nga đang trở lại vị trí cường quốc ảnh 1

Điện hạt nhân, ngành công nghiệp trọng yếu của Nga. Trong ảnh: Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh.

Về đầu tư nước ngoài (ĐTNN), sau nhiều năm cải cách, nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế, tích cực tạo ra hệ thống kinh tế thị trường, môi trường kinh tế Nga đã có sự cải thiện rõ rệt, có sức hấp dẫn lớn. Năm 2005, vốn ĐTNN vào Nga đạt 26,1 tỷ USD, tăng gấp đôi 2004. Năm 2007 khối lượng ĐTNN cũng tăng gấp đôi năm trước đó.

Theo tư liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, chỉ số này tương đương 82,5 tỷ USD. Đó thật sự là những con số kỷ lục. Môi trường đầu tư được cải biến đã có sức hút lớn với các công ty lớn thế giới. Những công ty khổng lồ về sản xuất ô tô nay đã có mặt tại Nga: Ford, General Motors, Toyota, Nissan, Volkswagen, BMW, Reno, KIA… Kinh tế nước Nga ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Nhằm tăng vai trò quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế, chính phủ Nga đã quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn, trước hết ở khu vực năng lượng từng mang lại gần một nửa lợi nhuận về thuế và giá trị xuất khẩu. Quyết sách quốc hữu hóa nền kinh tế tuy có gây tâm lý lo ngại cho một số người nhưng phù hợp tình hình đất nước và phù hợp ý nguyện dân chúng, cho tới nay không gây tác động tiêu cực nào đối với tăng trưởng kinh tế Nga và đã chứng tỏ là biện pháp kinh tế đúng đắn góp phần hồi sinh nước Nga. Hiện nay kinh tế tăng trưởng hơn 8% cùng nguồn dự trữ dầu và khí đốt dồi dào mang lại cho nước Nga dự trữ ngoại tệ lên tới 600 tỷ đôla Mỹ, đứng thứ ba thế giới.

Những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Tuy đạt nhiều thành tựu nhưng nền kinh tế Nga cũng còn những khó khăn nhất định, như cơ cấu kinh tế không cân đối, tăng trưởng kinh tế cũng như ngân sách nước này còn phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu, tỷ lệ thất thoát vốn còn lớn, thu hút đầu tư chưa nhanh, khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước chưa cao… Những điều đó đòi hỏi chính phủ phải có giải pháp khắc phục để thúc đẩy phát triển kinh tế hơn nữa.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nga do Thủ tướng Putin đề xuất đến năm 2020 là trở thành nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng công nghệ mới. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn: 2007-2012 và 2013-2020. Theo đó, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga vào năm 2012 tăng 35% - 36% (so với năm 2007) năm 2020 tăng 63%-69% (so với năm 2012); đầu tư tăng 80%-85%, thu nhập thực tế của người dân dự kiến cũng tăng 53%-54%.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, chương trình trên đưa ra những giải pháp kích thích kinh tế như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 18% xuống 12% -14%; duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững 6,5%/năm từ nay đến năm 2020... Bên cạnh đó, Chính phủ Nga ưu tiên phát triển y tế; giáo dục… Cùng với việc chương trình phát triển KT-XH kể trên, Tổng thống Nga Medvedev cũng đã ký “Kế hoạch hành động chống tham nhũng” nhằm quét sạch tệ nạn nguy hiểm cản trở sự phát triển của nước Nga.

Năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp kinh tế Nga cất cánh và nâng cao vị thế nước này trên trường quốc tế trong những năm gần đây được đặc biệt chú trọng. Từ nay đến năm 2020, sản lượng khai thác dầu mỏ sẽ tăng khoảng 9%, trong khi sản lượng khai thác khí đốt tăng 35,2% so với năm 2007, đạt 880 tỷ m3. Nga đã đặt kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân theo hướng từ năm 2020 trở đi các nhà máy điện hạt nhân sẽ chuyển dần sang sử dụng công nghệ mới... 

LỆ THƯ (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục